Hiệp Hội Công Chứng Viên Việt Nam
Xác thực ý chí - Tạo lập niềm tin

Lịch sử hình thành

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

I – Hệ thống lịch sử công chứng trên thế giới

1. Thời kỳ trung cổ đến thời kỳ phục hưng

Pháp luật dân sự đã trải qua thời kỳ trung cổ đến thời kỳ phục hưng từ thế kỷ 12 trở đi, thời kỳ này, công chứng phát triển thành tổ chức nghề luật ở hầu hết các nước Châu Âu và Châu Mỹ. Theo Pierre-Francois Real, một trong những nhà biên soạn Luật Ventôse năm 1804 làm cơ sở cho việc thiết lập nghề công chứng ở nhiều quốc gia khác ngoài Cộng hòa Pháp như Bỉ, Đức, Áchentina, Áo và Thụy sĩ thì:

Những người tư vấn cho các bên đương sự một cách vô tư, giúp họ hiểu được phạm vị nghĩa vụ hợp đồng mà họ đã giao kết, soạn thảo các hợp đồng này một cách rõ ràng, làm chứng cho chúng có tính xác thực và có giá trị như một phán quyết chung thẩm, đóng vai trò bộ nhớ của đương sự và lưu giữ tuyệt đối hồ sơ của họ, hạn chế tranh chấp có thể nảy sinh giữa các bên một cách ngay tình: những người làm công việc như vậy chính là công chứng viên.

Nghiên cứu các tài liệu về lịch sử công chứng cho thấy, trên thế giới có ba hệ thống hệ thống công chứng, đó là hệ thống công chứng dân luật (Hay còn gọi là công chứng latinh), hệ thống công chứng thông luật (Hay còn gọi là hệ thống công chứng Anglo – Saxon) và hệ thống công chứng Collectiviste (Công chứng tập thể) – hệ thống công chứng mà ở đó công chứng được coi như một hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức công chứng là cơ quan nhà nước, công chứng viên là công chức nhà nước.

2. Hệ thống công chứng Latinh

Hệ thống công chứng Latinh: (Chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ thống luật La mã, còn gọi là hệ thống pháp luật dân sự – Civil Law). Hệ thống này tồn tại ở hầu hết các nước thuộc cộng đồng châu Âu (Trừ Đan Mạch và Anh); Châu Phi (Các nước thuộc địa cũ của Pháp); các nước châu Mỹ – La tinh, bang Quebec của Canada, một số nước châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, …).

Tại các nước trong hệ thống công chứng Latinh, nhà nước thừa nhận thể chế công chứng chuyên nghiệp, đề ra các quy định pháp lý để tổ chức và quản lý thiết chế công chứng một cách chặt chẽ. Phạm vi hoạt động của công chứng thường bao gồm các hợp đồng, giao dịch về bất động sản, thừa kế và các thỏa thuận về tài sản trong hôn nhân gia đình.

Ở Cộng hòa Pháp (Một điển hình của trường phái công chứng Latinh), Điều 1 Pháp lệnh số 45-2500 ngày 02/11/1945 về Điều lệ công chứng của Cộng hòa Pháp quy định: “Công chứng viên là viên chức công, được bổ nhiệm để lập các hợp đồng và văn bản mà theo đó, các bên phải hoặc muốn đem lại tính xác thực giống như các văn bản của các cơ quan công quyền và để đảm bảo ngày, tháng chắc chắn, lưu giữ và cấp các bản sao văn bản công chứng”. (Điều 1) Điều lệ công chứng được ban hành kèm theo Lệnh số 48/FR ngày 29/8/1968 của Cộng hòa Bê-nanh cũng chép lại gần như nguyên văn điều luật trên).

Nhìn chung các nước thuộc hệ thống Latinh đều quy định công chứng là hoạt động của cơ quan công chứng xác nhận tính xác thực và tính hợp pháp của các hành vi pháp lý dân sự, sự kiện pháp lý và các văn bản pháp lý theo các trình tự quy định của pháp luật

3. Hệ thống công chứng Anglo-Sacxon (Còn được gọi là hệ thống pháp luật công chứng hình thức)

Gắn liền với hệ thống pháp luật Common Law, tồn tại ở các quốc gia: Vương quốc Anh, Mỹ (Trừ bang Luisane), Canada (Trừ bang Quebec), Singapore, Thái Lan, Đài Loan… Đặc điểm nổi bật của hệ thống này là việc công chứng chỉ mang tính hình thức, chú trọng đến tính xác thực về mặt hình thức như: nhận diện đúng khách hàng, xác định đúng thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, ghi nhận sự kiện pháp lý mà không cần quan tâm đến tình trạng pháp lý của đối tượng.

Ở Vương quốc Anh (Một trong các điển hình của trường phái công  chứng Anglo – Saxon), quy chế công chứng năm 1801, 1833, 1834 quy định:

Công chứng viên là viên chức được bổ nhiệm để thực hiện các hành vi công chứng sau: Soạn thảo, chứng nhận hoặc xác  lập  chứng thư và các giấy tờ khác có liên quan đến việc: chuyển nhượng hoặc xác  lập giấy tờ khác có liên quan đến việc  chuyển nhượng bất động sản  và tài sản cá nhân, giấy ủy quyền liên  quan đến bất động sản và tài sản cá nhân ở Anh, xứ Wales, các nước khác thuộc khối cộng đồng Anh hoặc ở nước ngoài; chứng nhận hoặc xác nhận các giấy tờ liên quan đến di chúc, lập kháng nghị hàng  hải về sự cố xảy ra đối với  tàu và hàng hóa trên tàu trong thời gian tàu đi trên biển.

4 Hệ thống công chứng Collectiviste (Công chứng tập thể)

Tồn tại ở các nước XHCN trước đây và phát triển mạnh vào các năm 70 của thế kỷ XX đến trước năm 1990, bao gồm: Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức, Bungari, Hungari, Rumani, Cu Ba, Trung Quốc, Việt nam lại có quan niệm về công chứng khác với hệ thống công chứng Latinh và hệ thống công chứng Anglo  – Saxon. Ở hệ thống công chứng Collectiviste, công chứng viên là công chức nhà nước, kiêm nhiệm cả việc chứng thực (Thị thực hành chính;  việc  công chứng được giao cho cả các chủ thể không phải là công chứng viên  đảm  nhiệm;  công chứng viên không có chứng chỉ  hành nghề,  không phải chịu trách nhiệm dân sự trước khách hàng, chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính trước Nhà nước về những sai phạm trong hoạt động của mình.

Tuy nhiên, hiện nay trong hệ thống  công chứng Collectiviste, hầu  hết các nước đã chuyển đổi xác định công chứng là một nghề tự do đặt dưới sự quản lý của Nhà nước và đang từng bước  tiến  hành  cải cách công chứng từ mô hình công chứng nhà nước sang mô hình công chứng tư. Ví dụ: ở Ba Lan, Điều 1 Luật số 176 ngày 14/02/1991 về công chứng  quy định: “Công chứng viên được bổ nhiệm để lập những văn bản mà trong đó, các bên phải hoặc  muốn đem lại một tính đích thực”.

Mặc dù hình thành ba hệ thống công chứng như trên,  song chung quy  lại, chỉ có hai mô hình công chứng: mô hình công  chứng tự do (Ở hệ thống công chứng Latinh và hệ thống công chứng Anglo-Sacxon) và mô hình công chứng nhà nước (Chỉ tồn tại ở hệ thống công chứng Collectiviste).

Ở mô hình công chứng nhà nước, cơ quan công chứng là thiết chế nhà nước, công chứng viên là công chức nhà nước, do nhà nước bổ nhiệm, với sự bao cấp toàn bộ của nhà nước, mô hình công chứng nhà nước chỉ phù hợp với cơ chế kế hoạch hóa tập trung và nền kinh tế hiện vật, trong đó, các  giao  lưu dân sự, kinh tế, thương mại không phát triển,  ở  đó, vai trò  công chứng chủ  yếu là nhằm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản cá nhân.

Ở mô hình công chứng tự do, các công chứng viên được Nhà nước bổ nhiệm, hành nghề tự do theo quy định của pháp luật đối với các hình thức văn phòng công chứng tư nhân hoặc văn phòng công chứng tập thể,  tự chủ trong  tổ chức, hoạt động, tự hạch toán và đóng thuế cho nhà nước.

Luật sư: Nông Thị Nhung

II – Lịch sử phát triển Công chứng Việt Nam qua các chặng đường

Trong những năm đầu của thời kỳ đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, hoạt động công chứng của nước ta được tái lập, kiện toàn và phát triển với sự ra đời của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công chứng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động công chứng lúc bấy giờ, trong đó phải đề cập đến 03 nghị định của Chính phủ về công chứng, Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác công chứng nhà nước, Thông tư số 858/QLTPK ngày 15/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện các việc làm công chứng.

Gần 20 năm kể từ khi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công chứng được ban hành dưới hình thức nghị định, thông tư đến trước ngày Luật Công chứng năm 2006 có hiệu lực thi hành (Ngày 01/7/2007), tổ chức và hoạt động công chứng đã trải qua thời kỳ phát triển mang nhiều dấu ấn. Trên cả nước chỉ có 393 công chứng viên làm việc tại 131 Phòng công chứng được phân bố tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước, nhưng hoạt động công chứng đã được đánh giá là có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ đất nước đổi mới và những năm tiếp theo. Hình ảnh công chứng Việt Nam đã được các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài biết đến như địa chỉ tin cậy trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các cá nhân, tổ chức tham gia hợp đồng, giao dịch. Đội ngũ công chứng viên của các Phòng công chứng được đào tạo bài bản, có tâm huyết và tinh thông nghề nghiệp, có đủ khả năng đảm nhiệm tư cách công chứng viên trong những năm các Phòng công chứng trên cả nước còn rất mỏng, chế định công chứng còn rất mới mẻ trong xã hội.

Luật Công chứng năm 2006 đánh dấu bước phát triển mới trong tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng của Đảng và Nhà nước với mục đích tạo điều kiện cho công chứng Việt Nam phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về công chứng, đưa hoạt động công chứng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế. Sự đan xen hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng tạo điều kiện phục vụ tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trong xã hội, người dân có thêm sự lựa chọn khi có yêu cầu công chứng. 

Tại thời điểm tổng kết 05 năm thi hành Luật Công chứng năm 2006 cho thấy: Cả nước có 625 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 138 Phòng công chứng và 487 Văn phòng công chứng. So với thời điểm trước khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, cả nước phát triển thêm được 484 tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy, số tổ chức hành nghề công chứng tại thời điểm này đã tăng hơn bốn lần so với thời điểm trước khi Luật Công chứng năm 2006 có hiệu lực. 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa. So với bình diện chung trong cả nước, việc xã hội hóa hoạt động công chứng tại thời điểm này được triển khai tương đối mạnh tại các tỉnh, thành phố như: Thành phố Hà Nội (86 Văn phòng công chứng), thành phố Hồ Chí Minh (34 Văn phòng công chứng), tỉnh Thanh Hóa (24 Văn phòng công chứng), tỉnh Nghệ An (22 Văn phòng công chứng), tỉnh Đồng Nai (22 Văn phòng công chứng)… Các Văn phòng công chứng được thành lập theo chủ trương xã hội hóa đã từng bước hoạt động ổn định. Một số Văn phòng công chứng có quy mô khá lớn với gần 10 công chứng viên. Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp gắn với địa bàn dân cư theo chủ trương xã hội hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các yêu cầu công chứng. Các Phòng công chứng đã nắm bắt nhanh các quy định của Luật Công chứng, đổi mới phương thức làm việc phù hợp với xã hội hóa hoạt động công chứng. Đội ngũ công chứng viên phát triển mạnh tại các thành phố lớn và các tỉnh có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… (thành phố Hà Nội có 282 công chứng viên, thành phố Hồ Chí Minh có 124 công chứng viên). Số lượng công chứng viên tại các tỉnh, thành phố khác cũng có sự gia tăng, chỉ còn 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng công chứng viên dưới 05 người. 100% công chứng viên được bổ nhiệm đều có trình độ cử nhân luật trở lên, trong đó, số công chứng viên qua đào tạo nghề công chứng chiếm khoảng 35,7% tổng số công chứng viên của cả nước, 64,3% số công chứng viên còn lại là những người được bổ nhiệm theo diện được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng.

Trong 05 năm thi hành Luật Công chứng năm 2006, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được 6.964.014 việc; tổng số phí công chứng thu được là 2.577.497.952.000 đồng; tổng số thù lao công chứng thu được là 176.190.662.000 đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước là 977.415.407.000 đồng. 

Luật Công chứng năm 2014 thay thế Luật Công chứng năm 2006 có nhiều quy định mới có tác động đến tổ chức và hoạt động công chứng, chế độ hành nghề của đội ngũ công chứng viên, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Tinh thần của Luật là tiếp tục phát triển mạnh mẽ xã hội hóa hoạt động công chứng, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ công chứng viên để ngang tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới và hội nhập quốc tế; tăng cường vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên; bồi dưỡng nghề công chứng đối với đối tượng miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; chuyển nhượng, sáp nhập, hợp nhất Văn phòng công chứng, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên…

Thời gian triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 gần được 03 năm nhưng số lượng việc công chứng trong cả nước đã có sự gia tăng. Từ ngày 01/01/2015 (thời điểm Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành) đến hết 06 tháng đầu năm 2017, các tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước đã thực hiện công chứng 11.032.916 việc, thu phí công chứng 3.412.496.126.206 đồng, nộp ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế 792.327.668.655 đồng. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng việc yêu cầu công chứng tại các địa phương có sự chênh lệch nhất định. Điều này xuất phát từ việc hoạt động công chứng có mối liên hệ chặt chẽ với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương. Một số tỉnh, thành phố lớn có số lượng yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch tương đối cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… Trong khi đó, một số địa phương như Bắc Kạn, Lai Châu, Tuyên Quang… yêu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch không nhiều, do vậy, chưa tạo được động lực xã hội hóa hoạt động công chứng tại các địa bàn này. Các công việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 được thực hiện khá kịp thời và đồng bộ từ tuyên truyền, giới thiệu; ban hành kế hoạch triển khai thi hành; rà soát văn bản quy phạm pháp luật; ban hành mức trần thù lao công chứng; ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng; xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng; thành lập, củng cố tổ chức và hoạt động của các Hội công chứng viên…

 Hiện nay, trên cả nước có tổng số 951 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có có 133 Phòng công chứng và 818 Văn phòng công chứng với 2.318 công chứng viên đang hành nghề. Một số địa phương có số lượng tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên đông đảo như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Công tác hội nhập khu vực và quốc tế, hợp tác về công chứng đã đạt nhiều kết quả khởi sắc, mở rộng các mối quan hệ với các nước có hệ thống công chứng phát triển như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, An-giê-ri… Trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2005, Chương trình hợp tác dự án Tin học hóa công chứng đã được Cộng hòa Pháp trang bị thiết bị máy móc, xây dựng phần mềm quản lý master; tổ chức các đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm nước ngoài về lĩnh vực công chứng…

Bên cạnh yếu tố nội lực, hoạt động công chứng Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các nước trên thế giới và khu vực thông qua những hoạt động rất đa dạng từ trao đổi thông tin, hội thảo, tọa đàm, kết nghĩa, tổ chức đoàn ra, đoàn vào… tập trung vào những nội dung chủ yếu là hoàn thiện thể chế công chứng, đào tạo, bồi dưỡng công chứng viên, phát triển tổ chức tự quản của công chứng viên… giúp Công chứng Việt Nam sớm trở thành thành viên chính thức của Liên minh Công chứng Quốc tế.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong công chứng kết nghĩa công chứng giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các địa phương của Cộng hòa Pháp đã được thực hiện và đạt kết quả bước đầu, góp phần tăng cường và phát triển hợp tác về công chứng giữa Việt Nam với Cộng hòa Pháp.

Song song với việc đẩy mạnh hợp tác trực tiếp với Bộ Tư pháp, Hội đồng Công chứng tối cao Pháp đã cùng Bộ Tư pháp Việt Nam tích cực phát triển hoạt động kết nghĩa công chứng địa phương Việt Nam và Pháp nhằm khai thác tất cả các nguồn lực tiềm năng với mục đích ngày càng đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa hai ngành công chứng Việt Nam và Pháp từ Trung ương tới địa phương. Đây thực sự là một hướng đi đúng đắn và hiệu quả, được công chứng địa phương cả Việt Nam và Pháp nhiệt tình hưởng ứng. Các hoạt động hợp tác trực tiếp giữa công chứng địa phương hai nước được thực hiện bài bản trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác, sau đó hàng năm, công chứng các địa phương cùng xây dựng kế hoạch hoạt động năm trên cơ sở nhu cầu của cả hai phía, do vậy, các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác kết nghĩa ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu.

Hiện nay đã có các địa phương kết nghĩa với Cộng hòa Pháp như sau:

– Thành phố Hà Nội với Paris ký năm 2006.

– Thành phố Hồ Chí Minh với Lyon ký năm 2006.

– Thành phố Hải Phòng với Strasbourg ký năm 2009.

– Thành phố Đà Nẵng với Marseille ký năm 2011.

– Tỉnh Hải Dương với Bordeaux ký năm 2011.

– Tỉnh Vĩnh Phúc và Riom (Clermont Ferrand) ký vào tháng 11/2015.

– Tỉnh Thái Nguyên và Rouen, vùng Normandie ký vào tháng 01/2017.

Các địa phương còn lại của Việt Nam sẽ lần lượt thực hiện việc kết nghĩa trong thời gian tới.

Ngày 09/10/2013, Việt Nam đã chính thức được kết nạp là thành viên thứ 84 của Liên minh Công chứng Quốc tế, sự kiện có ý nghĩa lớn của công chứng Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả về tổ chức và hoạt động công chứng đã đạt được qua các chặng đường, hoạt động công chứng ở nước ta còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, tồn tại về nhận thức, công tác triển khai thi hành luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, áp dụng pháp luật… vẫn còn có công chứng viên do vi phạm đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề… dẫn đến xảy ra sai phạm, có trường hợp phải truy tố. Những trường hợp này phần nào đã ảnh hưởng đến hình ảnh công chứng dưới góc nhìn của dư luận xã hội vì công chứng là nghề cao quý.

Đánh giá một cách tổng thể và khách quan, chúng ta có quyền tự hào về công chứng Việt Nam trong chặng đường 30 năm củng cố và phát triển, một lĩnh vực tuy còn non trẻ nhưng đã có những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, quản lý xã hội và thực hiện nghĩa vụ với Liên minh Công chứng Quốc tế. 

Nhìn lại chặng đường phát triển công chứng Việt Nam thời gian qua, chúng ta cũng rất tự hào có đội ngũ công chứng viên đã trưởng thành. Các công chứng viên của các Phòng công chứng đã phát triển từ môi trường hành nghề công chứng, một số đã và đang giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan nhà nước như lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp, Bộ, ngành… một số đang hành nghề tại các Văn phòng công chứng vẫn tiếp tục phát huy được khả năng, uy tín nghề nghiệp của mình. Có những công chứng viên đang giữ vị trí lãnh đạo, Ban chấp hành các Hội công chứng viên. Tháng 10/2013, Hội Công chứng viên thành phố Hồ Chí Minh đã thay mặt cho Công chứng Việt Nam gia nhập Liên minh Công chứng Quốc tế.

Số lượng công chứng viên được bổ nhiệm là những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; chuyên viên cao cấp… là nguồn công chứng viên rất quý khi thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, nguồn nhân lực có nhiều kinh nghiệm pháp luật đang hành nghề tại các Văn phòng công chứng trên cả nước.

Nhiều công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, Hội công chứng viên đã có những đóng góp đáng kể trong chặng đường phát triển công chứng trong công tác xây dựng thể chế (sửa đổi Luật Đất đai, Luật Công chứng…) như Hội Công chứng viên thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương và một số công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, Hội công chứng viên khác trên cả nước.

ThS. Đỗ Hoàng Yến

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp

III – Ý nghĩa và quá trình chuẩn bị thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam

1. Vai trò, ý nghĩa của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên Việt Nam (Hội Công chứng viên, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam)
Hoạt động công chứng trong những năm qua đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức; góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, ổn định kinh tế – xã hội. Việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển tổ chức và hoạt động của công chứng:

– Góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội – nghề nghiệp công chứng từ Trung ương tới địa phương, thực hiện có hiệu quả tốt hơn nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng.

– Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là đầu mối thống nhất đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Hội công chứng viên, các công chứng viên, đặc biệt là góp phần bảo đảm cho công chứng viên thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật. Hiệp hội công chứng viên Việt Nam sẽ trở thành chỗ dựa tin cậy của các công chứng viên trong phạm vi cả nước. Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam có trách nhiệm phát triển đội ngũ công chứng viên ở Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, đồng thời, tạo điều kiện cho công chứng viên hành nghề chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.

– Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là cấu nối giữa công chứng viên với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, mở rộng giao lưu giữa công chứng Việt Nam với công chứng của các nước trên thế giới và trong khu vực. Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam với tư cách là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên trong phạm vi cả nước, có vai trò hỗ trợ chính cho các thành viên của mình trong việc giao lưu, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của các đồng nghiệp nước ngoài.

2. Thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên Việt Nam

2.1. Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành – cơ sở pháp lý thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng năm 2014, tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, trong đó quy định tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp tỉnh và cấp Trung ương để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên. Ngày 15/3/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (Nghị định số 29/2015/NĐ-CP). Tại Mục 2, Chương IV của Nghị định đã giao “Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và tổ chức thực hiện Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Nghị định này cũng quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.

2.2. Xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam

Thi hành Luật Công chứng năm 2014, ngày 02/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 132/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam với các mục tiêu xây dựng Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là đầu mối thống nhất về hoạt động tự quản nghề nghiệp của các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi cả nước và thực hiện các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, chất lượng hành nghề công chứng; tạo cơ sở pháp lý để tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên tham gia, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát triển nghề công chứng, quản lý tổ chức, hoạt động công chứng trong điều kiện tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm nghề công chứng phát triển ổn định, bền vững và đại diện cho các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức hành nghề công chứng trên phạm vi cả nước trong hợp tác quốc tế về công chứng theo quy định; thông tin, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ trong hành nghề công chứng giữa Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm học hỏi kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh, vai trò của công chứng Việt Nam với bạn bè trong khu vực và quốc tế.

Về địa vị pháp lý, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên Việt Nam, đại diện cho các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, công khai, minh bạch, phi lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phù hợp với quy định của Luật Công chứng và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP. Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP.

Hội viên của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quyền và nghĩa vụ của hội viên Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam do Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam quy định.

Hoạt động của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam có trách nhiệm báo cáo định kỳ về tổ chức, hoạt động hoặc báo cáo khác theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Trong giai đoạn đầu mới thành lập, để kiện toàn tổ chức, giúp Hiệp hội thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội trong việc đôn đốc thành lập Hội đối với các địa phương chưa thành lập Hội công chứng viên; tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng và sẽ bàn giao lại khi Hiệp hội có đủ khả năng để tự đảm đương.

2.3. Thành lập Hội công chứng viên tại các địa phương

Trên cơ sở các hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc của Bộ Tư pháp, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay (2024) toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đã thành lập được Hội công chứng viên. Các Hội công chứng viên đã tích cực trong việc tự quản, tham gia vào những công việc ở địa phương cũng như một số sự kiện lớn của công chứng Việt Nam như gia nhập Liên minh Công chứng Quốc tế, đăng cai tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 3 của Liên minh Công chứng Quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban Các vấn đề châu Á thuộc Liên minh Công chứng Quốc tế tại tỉnh Quảng Ninh, tham dự các hội nghị của Liên minh Công chứng Quốc tế…1. Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định: “Hội viên của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là Hội công chứng viên các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các công chứng viên”. Do vậy, với việc thành lập các Hội công chứng viên tại các địa phương là cơ sở thực tiễn cho việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.

3. Một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam

Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, ngày 01/8/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1224/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Theo đó, để bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất và tập trung việc thực hiện các công việc chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) bao gồm đại diện Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, các cơ quan, tổ chức có liên quan; Ban vận động thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam để thực hiện các công việc chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất (Đại hội thành lập Hiệp hội). Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo lập Ban vận động khẩn trương tiến hành các công việc chuẩn bị tổ chức Đại hội, cụ thể:

Một là, soạn thảo Điều lệ của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, văn bản quan trọng điều chỉnh toàn diện các quan hệ của tổ chức công chứng ở Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chế độ tự quản của các Hội công chứng viên, các công chứng viên trong phạm vi cả nước, góp phần xây dựng, phát triển nghề công chứng ở Việt Nam, xây dựng đội ngũ công chứng viên vững mạnh về nghiệp vụ chuyên môn. Nhận thức được tầm quan trọng của việc soạn thảo Điều lệ, ngay sau khi được thành lập, Ban vận động đã khẩn trương tổ chức việc soạn thảo Điều lệ với tinh thần trách nhiệm cao. Trên cơ sở tập trung trí tuệ của các công chứng viên, Hội công chứng viên trong cả nước tại cuộc họp, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến về những nội dung quan trọng của dự thảo Điều lệ, Ban vận động đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Điều lệ báo cáo Ban Chỉ đạo cho ý kiến trước khi trình Đại hội.

Hai là, soạn thảo Báo cáo chính trị: Báo cáo chính trị trình Đại hội gồm các nội dung về quá trình hình thành và phát triển tổ chức, hoạt động công chứng ở Việt Nam; những nét cơ bản về tình hình tổ chức, hoạt động công chứng ở Việt Nam hiện nay và phương hướng, nhiệm vụ phát triển tổ chức, hoạt động công chứng trong nhiệm kỳ đầu tiên. Báo cáo chính trị cũng đã được đưa ra lấy ý kiến tại các hội thảo, tọa đàm và nhận được ý kiến đóng góp chính thức của các công chứng viên.

Ba là, hướng dẫn các Hội công chứng viên tổ chức bầu đại biểu tham dự Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất, đóng góp ý kiến vào dự thảo Điều lệ và dự thảo Báo cáo chính trị.

 Bốn là, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội được thực hiện kỹ lưỡng trên nguyên tắc tập trung, dân chủ và công khai. Các thành viên Ban vận động đã lựa chọn và giới thiệu các công chứng viên tiêu biểu để tham gia danh sách ứng cử viên của Hội đồng công chứng viên toàn quốc; xây dựng dự thảo Quy chế bầu ủy viên Hội đồng công chứng viên toàn quốc nhiệm kỳ I, dự thảo Quy chế bầu ủy viên Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo khác của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam nhiệm kỳ I.

Năm là, Ban vận động đã xây dựng Đề án tổ chức Đại hội, Đề án nhân sự, Quy chế bầu ủy viên Hội đồng công chứng viên toàn quốc, Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; chuẩn bị kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức Đại hội; xây dựng kế hoạch và triển khai công tác tuyên truyền để phục vụ Đại hội.

Hoàng Ngọc Lan

Cục Bổ trợ tư pháp