Các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng quốc tế và sự ra đời của Hiệp Hội Công Chứng Việt Nam
- 0
- 0
- 0
- 0
Các nguyên tắc cơ bản đã được Đại hội đồng các tổ chức công chứng thành viên của Liên minh Công chứng quốc tế thông qua ngày 08 tháng 11 năm 2005 tại Roma, Italia gồm những nội dung như sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc chung
Đại hội đã thống nhất đặt ra nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên như sau: Tất cả các nguyên tắc dưới đây là những nguyên tắc cốt lõi của tổ chức công chứng và mô hình công chứng mà tất cả các thành viên đều phải hướng tới. Với kỳ vọng rằng tất cả các nguyên tắc này đều được đón nhận, được tuân thủ và được áp dụng bởi tất cả các tổ chức công chứng thành viên của Liên minh Công chứng Quốc tế chúng tôi mong muốn tất cả các thành viên của Liên minh Công chứng Quốc tế nỗ lực làm cho những nguyên tắc này được áp dụng đối với tổ chức công chứng của quốc gia họ.
Thứ hai, về công chứng viên và chức năng của công chứng viên
– Công chứng viên, một người hành nghề luật, là một chức danh công, do Nhà nước bổ nhiệm để xác thực các văn bản pháp lý và hợp đồng mà công chứng viên soạn thảo và để tư vấn cho những người cần đến dịch vụ công chứng.
– Công chứng viên là người nắm giữ quyền lực công nhưng thực hiện chức năng của mình một cách khách quan và độc lập ngoài hệ thống thứ bậc hành chính của cơ quan Nhà nước.
– Hoạt động công chứng bao gồm toàn bộ các hoạt động pháp lý ngoài tố tụng, nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các chủ thể pháp luật, phòng ngừa các tranh chấp có thể phát sinh mà công chứng viên có thể giải quyết được bằng việc thực hiện nhiệm vụ trung gian pháp lý và là một công cụ không thể thiếu được để quản lý một nền tư pháp hiệu quả.
Thứ ba, về văn bản công chứng
– Các văn bản công chứng về các giao dịch pháp lý khác nhau là những văn bản mà công chứng viên xác thực. Tính xác thực của những văn bản này dựa trên chữ ký, nội dung và ngày tháng trên văn bản đó. Những văn bản này do chính công chứng viên lưu giữ và sắp xếp thành các sổ bộ công chứng.
– Luôn tuân thủ pháp luật, khi soạn thảo các văn bản công chứng, công chứng viên hiểu rõ ý chí của các bên liên quan và thể hiện ý chí đó theo đúng các quy định pháp luật. Công chứng viên kiểm tra nhân thân, năng lực và trong trường hợp cần thiết, công chứng viên kiểm tra cả quyền của các bên. Công chứng viên kiểm tra tính hợp pháp của các văn bản và đảm bảo rằng ý chí của các bên đã được thể hiện một cách tự do trước công chứng viên mà không ảnh hưởng bởi cách thức thể hiện ý chí trong các văn bản mà công chứng viên soạn thảo.
– Công chứng viên hoàn toàn chủ động trong việc soạn thảo các văn bản. Công chứng viên có toàn quyền chấp nhận hoặc từ chối các dự thảo văn bản mà các bên đề xuất, hoặc có thể có những sửa đổi, bổ sung phù hợp trên cơ sở thỏa thuận với các bên.
– Các bên của văn bản đã được công chứng có quyền có bản sao y bản gốc do công chứng viên lưu trữ. Các bản sao công chứng có giá trị pháp lý như bản gốc. Công chứng viên có thể cấp các bản sao cho các đối tượng có quyền lợi chính đáng liên quan theo quy định của pháp luật.
– Các văn bản công chứng có hiệu lực hợp pháp và chính xác và chỉ có thể phản bác theo trình tự tố tụng tư pháp. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ và hiệu lực thi hành.
– Công chứng viên cũng có thẩm quyền xác nhận chữ ký của các cá nhân tại các tài liệu tư, chứng thư, chứng thực bản sao y bản gốc và thực hiện tất cả các hoạt động khác do pháp luật của quốc gia quy định.
– Các văn bản công chứng tuân thủ các nguyên tắc nêu trên cần phải được thừa nhận tại tất cả các quốc gia và có giá trị chứng cứ cũng như hiệu lực thi hành, xác lập các quyền và nghĩa vụ như tại quốc gia gốc nơi văn bản công chứng đó đã được ban hành.
Thứ tư, về tổ chức hành nghề công chứng
– Luật quốc gia xác định phạm vi về thẩm quyền theo địa hạt lãnh thổ của mỗi công chứng viên cũng như là ấn định số lượng công chứng viên để đảm bảo đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công chứng. Luật quốc gia cũng xác định địa điểm đặt của mỗi văn phòng công chứng đồng thời đảm bảo việc phân bổ đồng đều các văn phòng công chứng trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia đó.
– Các công chứng viên đều phải trực thuộc một hiệp hội công chứng. Một cơ quan duy nhất bao gồm các công chứng viên thực hiện chức năng đại diện ngành công chứng của quốc gia.
– Luật quốc gia xác định các điều kiện hành nghề công chứng và điều kiện thực hiện chức năng công chứng nhà nước. Để thực hiện điều này, Luật quốc gia quy định các kỳ thi, môn thi cần thiết để đánh giá các ứng viên về kiến thức pháp luật và các phẩm chất cần thiết để được hành nghề công chứng.
Thứ năm, về đạo đức nghề công chứng
– Luật quốc gia quy định chế độ kỷ luật công chứng viên với việc kiểm tra thường xuyên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan tự quản của công chứng.
– Công chứng viên phải thể hiện thái độ chuẩn mực và trung thực đối với khách hàng, Nhà nước và các đồng nghiệp của mình.
– Công chứng viên có nghĩa vụ giữ bí mật nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm công vụ của nghề công chứng.
– Để đảm bảo sự cân bằng cần thiết trong giao kết hợp đồng bình đẳng, công chứng viên còn phải thể hiện tính khách quan bằng cách cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý phù hợp cho bên giao kết hợp đồng có vị trí yếu thế hơn so với bên kia.
– Việc lựa chọn công chứng viên phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các bên.
– Công chứng viên có nghĩa vụ tuân thủ các quy định đạo đức hành nghề công chứng trên bình diện quốc gia và quốc tế.
Với những nguyên tắc nêu trên, điều kiện để các quốc gia muốn tham gia vào Liên minh Công chứng Quốc tế là phải có tổ chức hiệp hội công chứng. Đối với Việt Nam khi tham gia vào Liên minh Công chứng Quốc tế năm 2013, chúng ta chưa thành lập được Hiệp hội Công chứng viên toàn quốc mà chỉ có một số Hội Công chứng viên của các tỉnh, thành phố. Khi đó, Hội Công chứng viên thành phố Hồ Chí Minh được cử làm đại diện cho Việt Nam tham gia Liên minh Công chứng Quốc tế. Để thực hiện cam kết khi gia nhập Liên minh Công chứng Quốc tế, việc xúc tiến thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam được tập trung triển khai.
Về cơ sở pháp lý cho việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng đã có những quy định rất cụ thể về Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các Hội Công chứng viên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về đội ngũ công chứng viên hiện nay đã đông đảo về số lượng, trưởng thành, vững vàng về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tự tôn về nghề và ý thức xã hội, vì cộng đồng, có khả năng tập hợp, đoàn kết thông qua các Hội Công chứng viên địa phương. Đội ngũ công chứng viên đông đảo, lớn mạnh và đoàn kết chính là yếu tố then chốt để thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Đồng thời, hoạt động hợp tác quốc tế của công chứng Việt Nam ngày càng được mở rộng trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là chúng ta đã gia nhập Liên minh Công chứng Quốc tế nhưng công chứng viên Việt Nam vẫn thiếu một tổ chức xã hội – nghề nghiệp có thể đại diện cho mình ở tầm quốc gia tại các diễn đàn, tổ chức công chứng khu vực và thế giới.
Sau một quá trình chuẩn bị chu đáo, trong hai ngày 13 và 14/01/2019, Đại hội đại biểu Công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo Đại hội. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và đặc biệt là sự có mặt của ông Jean – Paul Decorp, Chủ tịch danh dự Liên minh Công chứng Quốc tế. Đại hội thảo luận và thông qua dự thảo Báo cáo chính trị, Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, là những văn kiện quan trọng tổng kết, đánh giá chặng đường phát triển của công chứng Việt Nam, xác định những nguyên tắc hoạt động, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác của Hiệp hội phù hợp với tính chất là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tự quản. Với tinh thần đoàn kết, đề cao trách nhiệm, thảo luận dân chủ, Đại hội đã bầu ra các đại biểu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín, tâm huyết tham gia các cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội, bao gồm 69 Ủy viên Hội đồng Công chứng viên toàn quốc, 11 Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Công chứng viên. Trong đó, bầu ông Tuấn Đạo Thanh, Hội Công chứng viên thành phố Hà Nội là Chủ tịch Hiệp hội. Tại Đại hội, đại diện Hội Công chứng viên thành phố Hồ Chí Minh đã bàn giao tư cách thành viên thứ 84 của Liên minh Công chứng Quốc tế cho lãnh đạo Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.
Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam ra đời trong bối cảnh nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tư pháp cũng như Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các địa phương, với sứ mệnh khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp của giới công chứng viên Việt Nam đối với xã hội, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc quản lý, phát triển đội ngũ công chứng viên và phát triển nghề công chứng theo hướng bền vững, đúng pháp luật. Hoạt động công chứng ngày một phát triển đa dạng hơn, xuất hiện nhiều tình huống, xu thế mới, phức tạp trong hoạt động công chứng, đòi hỏi Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam phải thể hiện được vai trò lãnh đạo, quản lý của mình để cùng với các cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động công chứng phát triển theo đúng định hướng, đúng pháp luật. Hiệp hội phải luôn duy trì được tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình; đội ngũ lãnh đạo Hiệp hội phải luôn giữ được cái tâm trong sáng, hết lòng vì sự nghiệp chung của công chứng, nhiệt huyết, vô tư, khách quan, có như vậy mới thu hút, tập hợp được hội viên, phát triển được Hiệp hội nói riêng và nghề công chứng ở Việt Nam nói chung./.
Luật gia Từ Minh Liên
Nguồn: Theo Sở Tư Pháp tỉnh Quảng Bình