👌 Về tính xác thực trong hoạt động công chứng
- 0
- 0
- 0
- 0
Tác giả:: Luật sư Nông Thị Nhung
Qua thực tiễn công tác cũng như tham khảo các quy định pháp luật cụ thể về công chứng của một số quốc gia, chúng tôi tạm chia tính xác thực trong hoạt động công chứng ra làm ba cấp độ khác nhau.
Các cấp độ của tính xác thực trong hoạt động công chứng
Qua thực tiễn công tác cũng như tham khảo các quy định pháp luật cụ thể về công chứng của một số quốc gia, chúng tôi tạm chia tính xác thực trong hoạt động công chứng ra làm ba cấp độ khác nhau.
Cấp độ thứ nhất:
Xác định “đúng người”. Đây là yêu cầu quan trọng nhất đối với hoạt động công chứng của bất kỳ một quốc gia nào, dù đó là công chứng hình thức hay là công chứng nội dung. Việc xác định đúng, chính xác người yêu cầu công chứng không những tạo điều kiện cho công chứng viên có thể xác định đúng chủ thể, khách thể của hợp đồng, giao dịch mà còn ngăn ngừa những trường hợp mạo danh, lừa đảo… Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại ba cách để xác định người yêu cầu công chứng. Đó là: (1) Xác định bằng sự nhận biết cá nhân của công chứng viên; (2) Xác định bằng một hoặc hai nhân chứng đáng tin cậy; và (3) Xác định bằng việc kiểm tra các giấy tờ tuỳ thân còn hiệu lực để thay thế cho những chứng cứ thuyết phục.
Theo chúng tôi, cách thứ nhất và cách thứ hai là hai cách tốt nhất để xác định chính xác người yêu cầu công chứng. Đối với cách thứ nhất thì hoàn toàn đáng tin cậy, không có bất kỳ một sự rủi ro nào do công chứng viên và người yêu cầu công chứng có những mối quan hệ, quen biết cá nhân và công chứng viên xác định người yêu cầu công chứng bằng chính mối quan hệ cá nhân đó. Đối với cách thứ hai, thì công chứng viên xác định người yêu cầu công chứng thông qua một hoặc hai người làm chứng mà cá nhân công chứng viên quen biết. Tuy nhiên hai cách này khó có thể áp dụng một cách thuận tiện do phạm vi áp dụng hẹp (đối với cách thứ nhất) hoặc do gây phiền hà cho đương sự (đối với cách thứ hai). Theo quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam, thì công chứng viên chỉ được phép yêu cầu người làm chứng trong trường hợp một trong các bên tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch “không đọc, không nghe, không ký hoặc không điểm chỉ được” (Điều 8 Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực) và đặc biệt, không có quy định nào cho phép công chứng viên sử dụng người làm chứng để xác định người yêu cầu công chứng. Tóm lại, cách phổ biến nhất và cũng ít tin cậy nhất để xác định người yêu cầu công chứng chính là việc xác định người yêu cầu công chứng thông qua giấy tờ tuỳ thân của họ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa nhiệm vụ của công chứng viên. Sau khi xác định chính xác người yêu cầu công chứng, công chứng viên phải kiểm tra trạng thái tâm lý cũng như khả năng nhận thức của người yêu cầu công chứng trước khi cho họ ký kết một hợp đồng, giao dịch nào đó. Nói cụ thể hơn là công chứng viên phải đọc lại (hoặc đề nghị người yêu cầu công chứng tự đọc lại) toàn bộ nội dung hợp đồng, giao dịch cho các bên giao kết nghe, giải thích các quyền và nghĩa vụ của họ phát sinh theo bản hợp đồng này, giải đáp các thắc mắc cho họ (nếu có). Thậm chí, công chứng viên có nghĩa vụ thông báo trước những hình phạt, những hậu quả pháp lý mà đương sự có thể phải gánh chịu nếu vi phạm các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan. Chỉ khi nào chắc chắn rằng người yêu cầu công chứng ký kết một hợp đồng, giao dịch nào đó trong trạng thái tinh thần thoải mái, không chịu bất kỳ một sức ép nào từ phía bên ngoài và rằng, họ hoàn toàn ý thức được hậu quả việc làm của mình … thì công chứng viên mới cho họ ký kết hợp đồng, giao dịch đó. Qua nghiên cứu của chúng tôi thì đây là yêu cầu về tính xác thực của hầu hết pháp luật các quốc gia theo trường phái công chứng hình thức.
Cấp độ thứ hai:
Tại một số quốc gia khác, tính xác thực lại không được hiểu một cách đơn giản như vậy. Ngoài việc phải xác định chính xác người yêu cầu công chứng cũng như khả năng nhận thức, trạng thái tâm lý của anh ta khi tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch, công chứng viên còn phải thoả mãn những yêu cầu về tính xác thực ở cấp độ cao hơn rất nhiều. Nói một cách hình tượng, thì tính xác thực ở đây được hiểu không chỉ đơn thuần là việc xác định đúng người mà nó còn yêu cầu công chứng viên phải xác định được đúng việc. Như vậy, để giao kết bất kỳ một hợp đồng, giao dịch nào, người yêu cầu công chứng phải xuất trình các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đó. Những giấy tờ, tài liệu này có thể là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và /hoặc sử dụng đối với tài sản đem ra giao dịch, các giấy tờ về uỷ quyền, về tình trạng hôn nhân… Trong trường hợp có nghi ngờ về độ tin cậy của những giấy tờ, tài liệu nêu trên thì công chứng viên có quyền trưng cầu giám định từ những cá nhân, cơ quan có thẩm quyền. Nói cụ thể hơn thì tính xác thực không chỉ đơn thuần là việc công chứng viên phải xác định chính xác cá nhân người yêu cầu công chứng mà căn cứ vào các giấy tờ do đương sự xuất trình, công chứng viên còn phải xác định xem người yêu cầu công chứng có đầy đủ tư cách theo quy định của pháp luật để xác lập, giao kết hợp đồng, giao dịch đó hay không? Nếu như ở cấp độ xác thực thứ nhất, công chứng viên không cần phải quan tâm quá nhiều đến nội dung của hợp đồng, giao dịch (tuy nhiên điều này không có nghĩa là công chứng viên có quyền chứng nhận các hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội) thì ở cấp độ xác thực thứ hai này (sau đây chúng ta tạm gọi như vậy) công chứng viên phải quan tâm đến tính xác thực về cá nhân người yêu cầu công chứng cũng như tính xác thực của nội dung hợp đồng, giao dịch mà họ giao kết. Nói cách khác, tính xác thực ở cấp độ thứ hai này chính là tính xác thực ở cấp độ thứ nhất cộng với tính xác thực của nội dung hợp đồng, giao dịch. Đối với tính xác thực về người yêu cầu công chứng thì không có điều gì phải bàn cãi, nhưng đối với tính xác thực của nội dung văn bản công chứng (các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, giao dịch) thì hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau. Cụ thể:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng, tính xác thực của nội dung văn bản công chứng hay chính xác hơn là các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, giao dịch đơn thuần chỉ là việc công chứng viên ghi nhận chính xác, đầy đủ ý chí chủ quan của các bên tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch đó. Điều này có nghĩa công chứng viên sẽ chỉ đóng vai trò là một người ghi chép cẩn thận và đầy đủ mà thôi. Tính xác thực ở đây được hiểu là những gì đã xảy ra trên thực tế.
– Quan điểm thứ hai cho rằng, tính xác thực ở đây không chỉ đơn giản là việc văn bản công chứng thể hiện trọn vẹn, chính xác ý chí chủ quan của các bên tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch mà các điều khoản và điều kiện của hợp đồng, giao dịch đó còn phải tuân thủ nghiêm túc các quy định hiện hành của pháp luật cũng như được thiết lập dựa trên các cơ sở pháp lý (các giấy tờ, tài liệu) đáng tin cậy. Nếu có bất kỳ một sự nghi ngờ nào thì công chứng viên có quyền cũng như có nghĩa vụ trưng cầu giám định từ phía các cơ quan chuyên môn và /hoặc chuyên gia. Nói một cách chính xác hơn thì tính xác thực ở đây không chỉ phản ánh đúng ý chí của các bên mà nó sẽ bao gồm cả tính hợp pháp của nội dung hợp đồng, giao dịch được các bên giao kết.
– Quan điểm thứ ba cho rằng, tính xác thực ở đây không chỉ bao gồm cả hai quan điểm trên mà nó còn phải được hiểu một cách cặn kẽ, cụ thể hơn, đúng nghĩa với từ “xác thực” như đã nêu ở phần trên. Điều này có nghĩa là công chứng viên không những chỉ dựa trên sự trình bày ý chí, nguyện vọng của các bên tham gia, giao dịch, các giấy tờ, tài liệu mà họ xuất trình để xác định tính xác thực, mà trong mọi trường hợp, anh ta còn phải trực tiếp kiểm tra trên thực tế xem các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, giao dịch có phù hợp, có phản ánh chính xác những gì đang diễn ra trên thực tế hay không. Hiện nay pháp luật về công chứng của một vài quốc gia theo trường phái công chứng nội dung yêu cầu công chứng viên có nghĩa vụ phải xác nhận tính xác thực theo quan điểm này.
Cấp độ thứ ba:
Tính xác thực ở cấp độ thứ ba và theo quan điểm của chúng tôi cũng là tính xác thực có cấp độ cao nhất chính là tính xác thực không những bao gồm cả tính xác thực ở cấp độ thứ nhất và cấp độ thứ hai, mà nó còn yêu cầu phải xác định chính xác bản chất thực của những thoả thuận mà các bên đương sự thiết lập. ở cấp độ xác thực này, công chứng viên không những phải xác định chính xác người yêu cầu công chứng, nội dung các thoả thuận là hợp pháp và được xác lập dựa trên các giấy tờ, tài liệu đáng tin cậy, mọi thoả thuận cũng như giấy tờ, tài liệu đều phù hợp với những gì xảy ra trên thực tế… mà công chứng viên còn phải xác định xem những thoả thuận của các bên đương sự có phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của họ hay không? Các thoả thuận này có nhằm che giấu bất kỳ một mục đích nào khác hay không? Qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng, để đạt được tính xác thực ở cấp độ này, công chứng viên không những phải có một trình độ hiểu biết pháp luật rất cao, một kinh nghiệm hành nghề phong phú mà quan trọng hơn hết, anh ta còn phải có một kỹ năng giao tiếp hoàn hảo, một khả năng phán đoán tình hình cũng như tìm hiểu tâm lý siêu việt. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó thì ý chí chủ quan của công chứng viên cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tính xác thực hiểu theo cấp độ thứ ba này.
Như trên đã trình bày, do tính xác thực ở cấp độ thứ ba rất khó xác định và ít nhiều bị ảnh hưởng bởi phán đoán chủ quan của công chứng viên nên hầu hết các quốc gia đều không áp dụng tính xác thực ở cấp độ này trong pháp luật về công chứng của mình. Qua các tài liệu mà chúng tôi có điều kiện tiếp cận thì duy nhất pháp luật về công chứng của Cộng hoà Liên bang Đức hiện đang áp dụng tính xác thực ở cấp độ này mà thôi[1].
Nhìn một cách tổng quát nhất, thì tính xác thực trong hoạt động công chứng không chỉ đơn thuần là mô tả những gì đã diễn ra trên thực tế, mà nó còn bao gồm cả tính hợp pháp, mặc dù được biểu hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau. Nếu như đối với tính xác thực ở cấp độ thứ nhất thì tính hợp pháp thể hiện ở chỗ người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp với quy định và họ giao kết hợp đồng, giao dịch trong trạng thái tinh thần minh mẫn, không chịu bất kỳ một sự ép buộc nào với khả năng nhận thức hoàn hảo, thì ở cấp độ xác thực thứ hai, tính hợp pháp thể hiện ở chỗ nội dung giao kết phải được xây dựng dựa trên những giấy tờ, tài liệu đáng tin cậy, nội dung thoả thuận của các bên phải phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trách nhiệm về tính xác thực trong hoạt động công chứng
Qua thực tiễn công tác, chúng tôi thấy hiện nay có tối đa là ba loại bên tham gia một cách trực tiếp hay gián tiếp vào một hợp đồng, giao dịch công chứng cụ thể và điều này có nghĩa là ít nhất một loại bên trong số ba loại bên này sẽ chịu trách nhiệm về tính xác thực của hợp đồng, giao dịch công chứng đó. Loại bên thứ nhất mà chúng ta phải nhắc đến chắc chắn là người yêu cầu công chứng, chủ thể không thể thiếu trong bất kỳ một hợp đồng, giao dịch công chứng nào. Họ có thể là một người hay nhiều người, có thể là một bên hay đóng vai trò nhiều bên trong một hợp đồng, giao dịch công chứng. Đối với những người yêu cầu công chứng thì văn bản công chứng chính là phương tiện để thể hiện ý chí của mình. Loại bên thứ hai chính là công chứng viên (và có thể là cả nhân viên Phòng Công chứng). Theo chúng tôi thì nhiệm vụ cơ bản của công chứng viên không chỉ là việc xác định chính xác người yêu cầu công chứng mà còn ghi nhận, phản ánh và /hoặc xác nhận trung thực và /hoặc hợp pháp ý chí của các bên tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch vào trong văn bản công chứng. Một hợp đồng, giao dịch công chứng không thể thiếu được sự hiện diện của loại bên thứ hai này. Và loại bên thứ ba chính là bên tư vấn, người làm chứng và /hoặc bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến một hợp đồng, giao dịch công chứng cụ thể. Khác với hai loại bên kể ở phần trên, loại bên thứ ba này là loại bên có thể có hoặc không có trong một giao dịch, hợp đồng công chứng. Đây có thể là những người làm công tác tư vấn trong lĩnh vực luật pháp có liên quan đến giao dịch, hợp đồng được các bên giao kết (thông thường là luật sư tư vấn), những người làm chứng (theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của một trong những bên yêu cầu công chứng) và cũng có thể là những nhà tư vấn về mặt chuyên môn (được một hoặc các bên thuê) hoặc cá nhân, cơ quan có thẩm quyền (được trưng cầu giám định). Những nhà tư vấn về mặt chuyên môn thường rất phong phú và đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: tài chính, giá cả, chất lượng công trình, quy hoạch đô thị… Hoặc họ có thể là những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền được trưng cầu giám định về tính xác thực của những văn bản, giấy tờ có liên quan (như chữ viết, con dấu, thời gian tạo lập văn bản….). Hiện nay đang có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng những cá nhân, tổ chức thuộc loại bên thứ ba này cũng có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến tính xác thực trong hoạt động công chứng nói chung. Căn cứ để khẳng định quan điểm này chính là việc ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức thuộc loại bên thứ ba này tham gia vào các hợp đồng, giao dịch công chứng. Những cá nhân, tổ chức này không chỉ cung cấp những thông tin, dữ liệu thuần tuý về nghiệp vụ chuyên ngành (những thông tin, dữ liệu này không những được thể hiện trong văn bản công chứng mà đôi khi nó cũng là cơsở để những người yêu cầu công chứng và thậm chí cả công chứng viên đưa ra quyết định của mình) mà họ còn tư vấn cho những người yêu cầu công chứng (lúc này với tư cách là thân chủ của họ) về mặt luật pháp (những quy định của pháp luật có liên quan đến hợp đồng, giao dịch cần được công chứng). Như vậy, nếu như những nhà tư vấn về mặt chuyên môn là người cung cấp thông tin, thì những luật sư tư vấn lại là người đảm bảo cho những thông tin đó được thể hiện một cách hợp pháp. Từ cách nhìn nhận như trên, rất nhiều luật gia cho rằng loại bên thứ ba này – mà đặc biệt là luật sư tư vấn – mới có vai trò quyết định đối với tính xác thực của hoạt động công chứng, nhất là đối với phần hợp pháp của tính xác thực trong hoạt động công chứng. Quan điểm này càng được củng cố trong trường hợp những cá nhân, tổ chức thuộc loại bên thứ ba này còn làm thay một phần công việc của công chứng viên (ví dụ như trong trường hợp công chứng viên xác định người yêu cầu công chứng thông qua một người làm chứng). Quan điểm thứ hai cho rằng, dù có tham gia vào một hợp đồng, giao dịch công chứng dưới bất kỳ khía cạnh nào (chuyên môn nghiệp vụ hay luật pháp) hay với mức độ nào thì những cá nhân, tổ chức thuộc loại bên thứ ba (bao gồm cả luật sư tư vấn) cũng chỉ đơn thuần là những người cung cấp dịch vụ cho người yêu cầu công chứng mà thôi. Nói cụ thể hơn thì những cá nhân, tổ chức thuộc loại bên thứ ba này đóng vai trò cung cấp thông tin, dữ liệu, làm công tác tư vấn về mặt chuyên môn nghiệp vụ hoặc pháp luật cho những người yêu cầu công chứng (thông qua một dạng hợp đồng dịch vụ) còn công chứng viên và /hoặc những người yêu cầu công chứng mới chính là người quyết định sử dụng những thông tin, kết quả trưng cầu giám định hay tư vấn đó như thế nào (ví dụ như người yêu cầu công chứng có thể nghe theo hoặc không nghe theo lời khuyên của luật sư tư vấn). Và một điểm mà chúng ta rất dễ nhận thấy chính là việc chỉ có loại bên thứ nhất và loại bên thứ hai là hai loại bên không thể thiếu trong một hợp đồng, giao dịch công chứng trong khi loại bên thứ ba có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện trong một hợp đồng, giao dịch công chứng. Như vậy, theo quan điểm này thì chỉ có công chứng viên và những người yêu cầu công chứng (tức là loại bên thứ nhất và loại bên thứ hai) mới là các loại bên chịu trách nhiệm về tính xác thực trong hoạt động công chứng mà thôi. Cá nhân chúng tôi đồng ý với quan điểm này.
Vấn đề đặt ra là, liệu chúng ta có thể phân định được ranh giới trách nhiệm giữa hai loại bên này đối với tính xác thực trong hoạt động công chứng hay không? Thông thường ở các quốc gia theo trường phái công chứng hình thức thì công chứng viên chỉ chịu trách nhiệm về tính xác thực theo cấp độ thứ nhất, tức là họ chỉ cần xác định chính xác người yêu cầu công chứng và khẳng định được khả năng nhận thức, trạng thái tinh thần của người yêu cầu công chứng khi xác lập văn bản công chứng mà thôi. Toàn bộ tính xác thực của nội dung hợp đồng, giao dịch sẽ do người yêu cầu công chứng và /hoặc luật sư tư vấn của họ đảm trách. Trong khi đó, tại các quốc gia theo trường phái công chứng nội dung thì công chứng viên, ngoài việc phải chịu trách nhiệm về nhận dạng người yêu cầu công chứng cũng như khả năng nhận thức của họ khi giao kết hợp đồng, giao dịch còn phải chịu trách nhiệm chính về tính xác thực của nội dung hợp đồng, giao dịch. Điều này có nghĩa là, công chứng viên, căn cứ vào ý chí của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch cũng như các quy định của pháp luật có liên quan, sẽ hướng dẫn, tư vấn cho các bên tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch thể hiện ý chí của mình một cách hợp pháp và không gây thiệt hại cho bên thứ ba. Nếu một hoặc toàn bộ các bên tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch có sự tư vấn từ phía luật sư thì công chứng viên và các luật sư tư vấn sẽ chia sẻ trách nhiệm về tính xác thực của văn bản công chứng, nhưng công chứng viên vẫn là người cuối cùng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực được hiểu theo cấp độ thứ hai này.
Hệ quả pháp lý
Qua nghiên cứu những quy định khác trong pháp luật của một số quốc gia về công chứng cũng như những quy định khác có liên quan, chúng ta có thể nhận thấy việc xác định cấp độ của tính xác thực trong pháp luật của mỗi quốc gia sẽ có ảnh hưởng nhất định đến những quy định, phạm trù khác không những trong pháp luật về công chứng mà còn cả trong pháp luật điều chỉnh những lĩnh vực khác có liên quan. Ví dụ như cấp độ của tính xác thực trong một hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng sẽ ảnh hưởng đến các quy định về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên khi công chứng một bản hợp đồng mua bán nhà, quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự khi tham gia giao kết hợp đồng, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan như địa chính, nhà đất, thuế… thậm chí là thời gian tối đa cho phép để giải quyết yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán nhà ở đó.
Có thể nói địa vị pháp lý (mà cụ thể là quyền và nghĩa vụ pháp lý của công chứng viên) là vấn đề chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc xác định cấp độ của tính xác thực trong pháp luật về công chứng của mỗi một quốc gia. Như trên đã trình bày, ở các quốc gia mà pháp luật về công chứng áp dụng tính xác thực ở cấp độ thứ nhất thì nhìn chung, quyền và trách nhiệm của các công chứng viên không cao. Từ những yêu cầu của tính xác thực ở cấp độ thứ nhất, chúng tôi thấy khi giải quyết một yêu cầu công chứng cụ thể, công chứng viên chỉ có quyền đề nghị đương sự (người yêu cầu công chứng) xuất trình giấy tờ tuỳ thân của anh ta mà thôi. Thậm chí, quyền đề nghị đương sự xuất trình giấy tờ tuỳ thân cũng chỉ được pháp luật cho phép khi người yêu cầu công chứng không có mối quan hệ quen biết cá nhân với công chứng viên hoặc không có những người làm chứng đáng tin cậy mà nhờ họ, công chứng viên có thể xác định chính xác nhận dạng của người yêu cầu công chứng. Sau khi xác định chính xác nhận dạng của người yêu cầu công chứng, công chứng viên có nghĩa vụ thông báo cho người yêu cầu công chứng hậu quả pháp lý do yêu cầu công chứng của họ gây ra (kiểm tra khả năng nhận thức), và chỉ đến khi khẳng định được người yêu cầu công chứng không chịu bất kỳ một sự ép buộc nào khi lập và ký vào văn bản công chứng, thì lúc này công chứng viên mới lấy chữ ký của họ trong văn bản công chứng. Trong một vài trường hợp, công chứng viên còn có nghĩa vụ thông báo những hình phạt mà người yêu cầu công chứng có thể phải gánh chịu nếu như họ vi phạm pháp luật. Vì quyền hạn của những công chứng viên hành nghề tại các quốc gia áp dụng tính xác thực ở cấp độ thứ nhất không cao, nên vai trò trách nhiệm của họ cũng không lớn. Về mặt nguyên tắc, những công chứng viên này chỉ chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng xác định không chính xác nhận dạng của người yêu cầu công chứng, hay người yêu cầu công chứng ký kết văn bản công chứng trong trạng thái tinh thần không tỉnh táo, không nhận thức được hậu quả do hành vi của mình gây ra hoặc bị ép buộc. Do quyền và nghĩa vụ pháp lý của công chứng viên tương đối hạn chế như đã trình bày, nên vị trí, vai trò cũng như tầm quan trọng của hoạt động công chứng và /hoặc công chứng viên trong các mối quan hệ pháp luật tại một số quốc gia cũng chỉ giữ một vị trí khiêm tốn mà thôi.
Vấn đề thứ hai chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cấp độ của tính xác thực được áp dụng trong pháp luật về công chứng, chính là tiêu chuẩn của công chứng viên hành nghề trong quốc gia đó. Nếu nhìn dưới một giác độ nào đó thì quy định về trình độ công chứng viên chính là hệ quả của quy định về quyền và trách nhiệm pháp lý của công chứng viên. Một sự thật hiển nhiên là nếu quyền và trách nhiệm pháp lý của công chứng viên được pháp luật trao cho càng lớn, thì những yêu cầu về trình độ của công chứng viên cũng sẽ được pháp luật quy định càng cao. Tất nhiên khi được trang bị những kiến thức pháp lý cơ bản cũng như chuyên sâu, những kinh nghiệm công tác phong phú thì công chứng viên sẽ có khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được trao. Những đòi hỏi về trình độ này không những nhằm trang bị cho công chứng viên những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để có đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu của công việc mà anh ta phải đảm nhiệm nhưng ngược lại, nó cũng phải được xây dựng dựa trên và phù hợp với chính những yêu cầu của công việc ấy. Xét về mặt tổng thể thì thông thường, những công chứng viên hành nghề ở những quốc gia theo trường phái công chứng nội dung thường được yêu cầu có một trình độ cao hơn những công chứng viên hành nghề tại các quốc gia theo trường phái công chứng hình thức. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi so sánh giữa quyền, nghĩa vụ pháp lý cũng như những quy định về trình độ tối thiểu của công chứng viên hành nghề tại các quốc gia theo trường phái công chứng nội dung và những quy định tương tự như vậy áp dụng cho những công chứng viên hành nghề tại các quốc gia theo trường phái công chứng hình thức.
Vấn đề thứ ba chịu ảnh hưởng rất rõ ràng từ cấp độ của tính xác thực trong hoạt động công chứng chính là giá trị pháp lý của văn bản công chứng, sản phẩm nghề nghiệp của công chứng viên. Qua tìm hiểu những quy định của pháp luật một số quốc gia, chúng tôi thấy ở mỗi trường phái công chứng lại có một cách quy định khác nhau về giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Đối với những quốc gia theo trường phái công chứng hình thức, tức là những quốc gia áp dụng cấp độ thứ nhất của tính xác thực, thì văn bản công chứng có giá trị chứng cứ. Tuỳ vào quy định cụ thể mà có quốc gia xem văn bản công chứng như là những chứng cứ đáng tin cậy, không thể phản bác trong khi tiến hành tố tụng, hay cũng có khi văn bản công chứng cũng chỉ được coi là một nguồn cung cấp chứng cứ như những nguồn cung cấp chứng cứ thông thường khác. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng, văn bản công chứng dù phản ánh tính xác thực ở bất kỳ cấp độ nào thì cũng là một nguồn cung cấp chứng cứ đáng tin cậy cho hoạt động xét xử của toà án nói riêng hay của những cơ quan tài phán nói chung. Tại các quốc gia mà pháp luật về công chứng áp dụng tính xác thực ở cấp độ thứ hai hay cấp độ thứ ba, thì văn bản công chứng không những chỉ có giá trị chứng cứ mà nó còn có giá trị bắt buộc thực hiện. Điều này có nghĩa là, khi văn bản công chứng đã chứa đựng trong nó đầy đủ những tình tiết cần chứng minh, khẳng định một cách chắc chắn và hợp pháp sự thật khách quan, thì những văn bản công chứng này sẽ được bảo đảm bắt buộc thực hiện trên thực tế bằng sức mạnh quyền lực nhà nước. Giá trị bắt buộc thực hiện của văn bản công chứng không chỉ dừng ở việc nó ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia trực tiếp vào việc giao kết văn bản công chứng đó, mà nó còn có giá trị bắt buộc thi hành đối với cả những cá nhân, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào theo trường phái công chứng nội dung cũng có những quy định giống nhau khi cho rằng văn bản công chứng có giá trị bắt buộc thực hiện. Có quan điểm cho rằng bản thân văn bản công chứng tự thân nó đã có giá trị bắt buộc thực hiện mà không cần có thêm bất kỳ một thủ tục nào khác. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, để văn bản công chứng có hiệu lực bắt buộc thực hiện trên thực tế, thì ít nhất một và /hoặc các bên đương sự tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch vẫn cần phải trải qua một số trình tự tố tụng nhất định theo quy định của pháp luật. (Ví dụ như một phán quyết của toà án chẳng hạn).
Hiện nay trên thế giới đang tồn tại hai trường phái công chứng là công chứng hình thức và công chứng nội dung. Mỗi trường phái công chứng có những quy định khác nhau về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng trong hệ thống luật pháp cũng như những nhiệm vụ, trách nhiệm pháp lý mà công chứng viên phải gánh vác. Những nhiệm vụ và kèm theo đó là địa vị pháp lý của công chứng viên cùng một số vấn đề khác có liên quan chịu ảnh hưởng rất lớn từ cách quan niệm về tính xác thực trong hoạt động công chứng.
Việc xác định chính xác về tính xác thực trong hoạt động công chứng không chỉ giúp cho chúng ta có thể hiểu được bản chất của hoạt động bổ trợ tư pháp này trong pháp luật của mỗi quốc gia, mà còn lý giải nội dung các quy định về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên và xác định chính xác giá trị pháp lý của văn bản công chứng cũng như những vấn đề khác có liên quan đến hoạt động công chứng. /.
Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 95, THÁNG 4 NĂM 2007 – TUẤN ĐẠO THANH
(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)