1.001 chiêu giả mạo trong công chứng – Kỳ cuối: Làm gì để ngăn chặn?
- 0
- 0
- 0
- 0
Nhiều người mang giấy tờ giả đi công chứng gần như công khai. Phòng công chứng này từ chối thì họ đem đến chỗ khác. Bị từ chối ở TP.HCM thì mang đi tỉnh khác làm giấy ủy quyền cho người thật, rồi trở lại TP công chứng tiếp.
Một số bằng cấp giả bị công chứng viên phát hiện – Ảnh: D.N.H.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Hòa – phó chủ tịch thường trực Hội Công chứng viên TP.HCM, tổng thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam – cho biết:
– Hầu như ngày nào cũng có thông tin các đơn vị công chứng gặp nạn giả giấy tờ, giả người. Họ dùng giấy tờ giả công khai, tự nhiên đến độ nhiều trang mạng xã hội, trang thông tin quảng cáo rao làm bằng giả, giấy tờ giả.
Thậm chí họ còn nhắn tin qua điện thoại rao làm giấy tờ giả công khai như quảng cáo bán nhà, đất. Và thực tế không ít công chứng viên đã bị người dùng giấy tờ giả qua mặt.
Khó phát hiện tất cả giấy tờ giả
* Vậy những trường hợp sử dụng giấy tờ giả, hoặc giả người đi công chứng “lọt” qua cửa công chứng có nguyên nhân từ đâu, thưa ông?
– Thường thì do trình độ công chứng viên non tay nghề, chứ rất ít trường hợp công chứng viên móc nối, bắt tay với người làm giả để trục lợi cá nhân. Giấy tờ giả lọt qua công chứng thường rất tinh vi, nên có khi công chứng viên cũng chỉ là nạn nhân.
Tuy ngày nào cũng có đơn vị công chứng phát hiện giấy tờ giả, nhưng còn bao nhiêu vụ khác không phát hiện được? Không ai khẳng định rằng mình có thể nhìn là biết hết giấy tờ giả.
* Ông nghĩ thế nào khi những vụ án gần đây liên quan đến giấy tờ giả, phía tòa án có xu hướng quy trách nhiệm lỗi cho công chứng viên?
– Luật công chứng quy định người yêu cầu công chứng phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và tính chính xác của các giấy tờ đem đến công chứng.
Theo điều 46 của Luật công chứng thì lời chứng của công chứng viên phải bảo đảm các nội dung như chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự; mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch. Trách nhiệm khá rõ ràng.
Nếu công chứng viên cố tình làm sai để trục lợi thì xử lý hình sự, vô ý thì phải bồi thường dân sự. Còn công chứng viên không có lỗi mà bị xử lý kỷ luật hoặc yêu cầu bồi thường là vượt quá khả năng.
Yêu cầu công chứng viên chịu trách nhiệm đối với giấy tờ do khách hàng mang đến là đồng nghĩa với việc mỗi ngày công chứng viên ký bao nhiêu hồ sơ thì đối mặt với bấy nhiêu nguy cơ bị bồi thường, bị kỷ luật.
* Theo ông, có cần tăng quyền cho công chứng viên được xác minh hợp đồng, tính pháp lý của tài sản…?
– Theo quy định, công chứng viên chịu trách nhiệm về nội dung công chứng nhưng lại không đương nhiên có quyền thực hiện xác minh nội dung trong hợp đồng công chứng.
Trước năm 1975, công chứng viên ở miền Nam trực tiếp soạn hợp đồng công chứng nên họ được quyền đi xem nhà, xác minh ở các cơ quan để xác định tính pháp lý của tài sản cần giao dịch. Nếu được như vậy thì không thể có giấy tờ giả lọt cửa công chứng được.
Ông Nguyễn Trí Hòa
Phần lớn liên quan tín dụng đen
* Việc các đối tượng làm giả giấy tờ, giả người đi công chứng nhằm mục đích gì?
– Phần lớn các trường hợp giả liên quan đến tín dụng đen. Người vay không có tiền trả nên làm bộ hồ sơ giả đến công chứng bán nhà. Bên mua là bên cho vay sau đó đi kiện đòi công chứng viên bồi thường vì chứng bán trên giấy tờ giả. Dạng ít phổ biến hơn là làm nhiều giấy tờ giả để đi vay nhiều chỗ.
* Theo ông, cách nào để giảm các vụ giấy tờ giả “lọt” cửa công chứng?
– Theo tôi, phải sửa quy định để đưa hoạt động công chứng trở về đúng bản chất của nó. Nếu công chứng nội dung đúng bản chất thì công chứng viên có quyền liên hệ cơ quan thuế, xác minh thông tin tại văn phòng đăng ký đất đai… trước khi chứng thực việc mua bán.
Mỗi ngày, một người chỉ làm một hoặc hai hồ sơ. Quy định hiện hành chỉ có hai trường hợp công chứng viên được quyền đi xác minh: hoặc nghi ngờ giấy tờ giả, hoặc người dân yêu cầu công chứng viên xác minh. Nếu như khách hàng đã yêu cầu đi xác minh mà công chứng viên không biết giả thì công chứng viên mới chịu trách nhiệm.
Hiện Hội Công chứng viên TP.HCM đang tập hợp các bản án xử không hợp lý để phản ánh với cơ quan tố tụng cấp cao. Vừa qua, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng hứa sẵn sàng làm việc với phía tòa án và các cơ quan liên quan.
Nếu nhiều phía, nhiều cơ quan cùng lên tiếng thì sẽ hạn chế được nạn giả mạo, góp phần an tâm hơn cho công chứng viên hành nghề.
Chưa có cơ chế hỗ trợ kiểm tra giấy tờ giả
Theo ông Nguyễn Trí Hòa, hiện chưa có một thống kê nào về thiệt hại do giấy tờ giả gây ra. Ông Hòa cho rằng quy định hiện hành chưa có cơ chế hỗ trợ công chứng viên trong việc kiểm tra, xử lý giấy tờ giả.
Phòng công chứng số 4 phát hiện một trường hợp dùng giấy tờ giả đã mời công an thì bị công an “bẻ” lại: giấy tờ này không phải là giả. Tuy nhiên, phía công an cũng không dám xác nhận giấy tờ đó là thật.
“Người dùng giấy tờ giả sau đó ký hợp đồng bán nhà tại một phòng công chứng ở Q.12. Sau đó thì chính người mua trong vụ việc lại khiếu nại đến Phòng công chứng số 4 vì phát hiện bên bán sử dụng giấy tờ giả mà không ngăn chặn để bên mua bị thiệt hại?” – ông Hòa nhớ lại.
* Bà Lâm Quỳnh Thơ (giám đốc Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng, Sở Tư pháp TP.HCM):
Công chứng viên cần được chia sẻ thông tin, dữ liệu
Theo tôi, để công chứng viên phát hiện giấy tờ giả thì phải cung cấp cho họ dữ liệu, mẫu giấy thật, chữ ký thật để họ có cơ sở đối chiếu, phát hiện khác biệt.
Căn cơ nhất là việc các công chứng viên được chia sẻ thông tin, dữ liệu về chủ sở hữu nhà, sử dụng đất. Có thông tin thật, công chứng viên có cơ sở để nghi ngờ khi có sự khác biệt, dẫn đến việc xác minh thực tế.
Sở Tư pháp đã có nhiều công văn gửi đến Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Thông tin – truyền thông, Văn phòng Đăng ký đất đai TP đề nghị được chia sẻ thông tin về nguồn gốc sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Sở cũng có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND các quận, huyện, phường, xã đề nghị cung cấp mẫu chữ ký của những người ký giấy tờ nhà, đất, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân… nhưng cũng chưa được trả lời.
Năm 2020, Sở Tư pháp sẽ kiên trì kiến nghị với các cơ quan chức năng để thực hiện cho được việc kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai nhằm cung cấp dữ liệu thật cho hệ thống công chứng để giảm thiểu tình trạng “lọt sổ” giấy tờ giả, gây thiệt hại cho những người liên quan và nhất là bảo đảm an toàn cho hoạt động của công chứng viên.
* Công chứng viên Lê Thanh Hải (Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa):
Công chứng viên chủ động xác minh, giám định giấy tờ
Người dân, tổ chức giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị lớn thì nên chủ động đi xác minh các giấy tờ – tài liệu liên quan.
Cơ quan nào cấp thì liên hệ cơ quan đó để xác minh. Nếu không có điều kiện thì người dân nên yêu cầu công chứng viên xác minh, giám định trước khi công chứng, chi phí không cao mà an toàn.
Giấy tờ có con dấu đỏ chưa chắc là an toàn vì các giấy tờ được làm giả rất tinh vi. Công chứng viên chỉ thông qua kinh nghiệm nên không thể nào nhận biết hết mọi loại giấy tờ thật giả.
Bên cạnh đó, cần sửa luật theo hướng cho công chứng viên được quyền xác minh, giám định tất cả những giấy tờ mà khách hàng yêu cầu công chứng.
Các cơ quan chức năng có nghĩa vụ phải hỗ trợ, cung cấp thông tin khi công chứng viên xác minh, giám định giấy tờ để phục vụ việc công chứng. Khi công chứng viên phát hiện giấy tờ giả thì cơ quan điều tra nhanh chóng phối hợp để bảo vệ được tài sản của chủ sở hữu, bảo vệ người mua và công chứng viên.
Hiện việc làm giấy tờ giả quá dễ dàng, công khai và không bị xử lý đến nơi đến chốn nên giấy tờ giả hiện ngày càng nhiều.
Nhiều người ban đầu không cố ý gian dối, nhưng thấy làm giấy tờ giả quá dễ dàng thì tham gia để khỏi tốn thời gian, chi phí. Cơ quan chức năng phải tích cực điều tra các cơ sở làm giấy tờ giả.