Hiệp Hội Công Chứng Viên Việt Nam
Xác thực ý chí - Tạo lập niềm tin

Hội nghị “Triển khai Luật công chứng 2024 và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng” tại thành phố Huế và thành phố Thái Nguyên

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

Ngày 14 và 28 tháng 06 năm 2025 theo Kế hoạch số: 190/KH-HHCCVVN ngày 26 tháng 3 năm 2025 của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Ban Thường vụ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã tổ chức 02 Hội nghị “Triển khai Luật Công chứng 2024 và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng” tại thành phố Huế và thành phố Thái Nguyên với sự có mặt của Lãnh đạo Bộ Tư pháp – Thứ trưởng Mai Lương Khôi cùng đại diện Lãnh đạo Cục bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp; đại diện Lãnh đạo Cục An ninh chính trị nội bộ; đại diện Sở Tư pháp các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Thái Nguyên; Chủ tịch các Hội Công chứng viên tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và đông đảo hội viên, công chứng viên, thư ký nghiệp vụ hành nghề trên phạm vi cả nước.

Hội nghị được sự chủ trì của Lãnh đạo Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Chí Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam – nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị lần này triển khai nhằm kịp thời phổ biến các quy định mới của Luật Công chứng 2024 và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, đảm bảo việc triển khai thực hiện được thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.

Ông Nguyễn Chí Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có chỉ đạo, quán triệt về định hướng của hoạt động công chứng trong giai đoạn mới. Theo đó, Thứ trưởng ghi nhận, đánh giá rất cao Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị triển khai Luật Công chứng và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Đồng thời nêu rõ những yêu cầu, thách thức đặt ra cho hoạt động công chứng cùng các tổ chức hành nghề công chứng, chuyển đổi số, xã hội số còn nhiều hạn chế, từ đó Đảng và Nhà nước cần xác định rõ định hướng phát triển, lấy người dân làm trung tâm để thay đổi cả về nhận thức và tư duy. Nhấn mạnh hiện đại hóa hoạt động công chứng là yêu cầu sống còn, tăng cường minh bạch và nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ có ý kiến cần chú trọng tới hoạt động sáp nhập các tỉnh, thành phố để nắm bắt được hoạt động công chứng tại các địa phương. Chú trọng hơn vào việc truyền thông pháp luật đến với công chứng viên và người dân, khẳng định công chứng là hoạt động tồn tại khách quan để xây dựng, phát triển đất nước.

Đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ phát biểu ý kiến

Hội nghị có sự tham gia của các báo cáo viên truyền tải nội dung liên quan đến điểm mới của Luật Công chứng 2024 và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, những vấn đề liên quan đến công chứng điện tử và nền tảng công chứng số.

Cụ thể:

Về triển khai điểm mới của Luật Công chứng 2024, báo cáo viên Nguyễn Văn Mích đã trình bày nội dung, Luật Công chứng 2024 đã được cắt giảm số Chương, Điều so với Luật Công chứng 2014, quy định mới về giới hạn độ tuổi chụp ảnh, thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xã hội hóa hoạt động công chứng: thành lập văn phòng công chứng tư, chuyển đổi giải thể phòng công chứng, công chứng điện tử. Tổng thể, Luật Công chứng năm 2024 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Công chứng 2014, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường minh bạch và nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng trong bối cảnh mới.

Báo cáo viên Nguyễn Văn Mích trình bày tham luận

Báo cáo viên Nguyễn Thanh Đình và Nguyễn Thị Lan Hương đã trình bày nội dung liên quan đến Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng với một số điểm mới, cụ thể hóa một số vấn đề như tính pháp lý; nội dung; nguyên tắc chung; tính chất bắt buộc; các mối quan hệ ứng xử với cá nhân, tổ chức khác; cơ chế giám sát thực hiện,…

Báo cáo viên Nguyễn Thanh Đình trình bày tham luận.

Trong khuôn khổ tham luận, báo cáo viên Nguyễn Thị Lan Hương nêu rõ việc ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng năm 2025 là bước đi quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện chuẩn mực nghề nghiệp của đội ngũ công chứng viên, đồng thời thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng, uy tín của hoạt động công chứng trong giai đoạn mới. Đồng thời trình bày một số điểm mới đáng chú ý của Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, đặt trong mối liên hệ với sự kế thừa những giá trị đã được khẳng định và định hướng phát triển những chuẩn mực đạo đức phù hợp với yêu cầu của thời kỳ hiện nay.

Báo cáo viên Nguyễn Thị Lan Hương trình bày tham luận

Về công chứng điện tử, báo cáo viên Trần Thị Hằng đã đi sâu vào những vấn đề thực tiễn khi ứng dụng công chứng điện tử như chữ ký số, công chứng điện tử, sao y điện tử và những điểm mới trong hoạt động hành nghề công chứng từ ngày 01 tháng 7 năm 2025. Hoạt động nghiệp vụ công chứng cần quan tâm đến những vấn đề về chuyển đổi hồ sơ công chứng giấy sang lưu trữ điện tử, chuyển đổi văn bản công chứng giấy sang văn bản công chứng điện tử, chữ ký số của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng. Đồng thời báo cáo viên Từ Dương Tuấn đã giới thiệu một số công việc cần chuẩn bị và kỹ năng cần có, gợi ý một số giải pháp để đáp ứng các quy định bắt buộc phải thực hiện ngay kể từ ngày 01/07/2025. Bên cạnh đó, báo cáo viên Nguyễn Thanh Đình cũng đã chia sẻ về một số kinh nghiệm chuyển đổi số – số hóa tài liệu giấy – ảnh – lưu trữ hồ sơ công chứng trong quá trình chuyển đổi số.

Báo cáo viên Trần Thị Hằng trình bày tham luận

Báo cáo viên Từ Dương Tuấn

          Ngoài ra, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam đã mời Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm và Nội dung số OSP cùng Công ty cổ phần Công nghệ VTS để hướng dẫn các nội dung liên quan công chứng điện tử đến với hội viên, công chứng viên và thư ký nghiệp vụ đang hành nghề công chứng.

Các chuyên gia cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm

Hội nghị đã được chỉ đạo kịp thời, đúng đắn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, triển khai phổ biến những quy định mới của Luật Công chứng 2024 và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng cùng các vấn đề liên quan đến việc áp dụng công chứng điện tử trong lĩnh vực công chứng, bảo đảm tính ổn định, khả thi, đồng bộ phù hợp với thực tiễn xã hội trong bối cảnh chuyến đổi số quốc gia.

Nguồn tin: Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam