Chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng
- 0
- 0
- 0
- 0
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực xây dựng pháp luật của Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2020-2023”, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) hỗ trợ, ngày 31/5, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công chứng”.
Luật Công chứng được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Theo đại diện Bộ Tư pháp, sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, các quy định của Luật Công chứng đã đi vào thực tiễn cuộc sống. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng có những chuyển biến theo hướng tích cực. Hoạt động công chứng tiếp tục có những bước phát triển mới cả về chất và lượng, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của dịch vụ cơ bản thiết yếu trong đời sống kinh tế – xã hội. Cả nước có hơn 3,2 nghìn công chứng viên, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có Hội công chứng viên.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động công chứng vẫn còn nhiều việc phải làm như hoàn thiện về thể chế, về tổ chức hành nghề công chứng; hoạt động nâng cao chất lượng của đội ngũ công chứng viên… Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm an toàn pháp lý của các giao dịch dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội dự án Luật này tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công chứng” đã có sự trao đổi chuyên sâu giữa các chuyên gia trong nước và chuyên gia từ CHLB Đức trong việc chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về công chứng, quá trình thực thi trong đời sống thực tiễn và khả năng áp dụng tại Việt Nam để nâng cao chất lượng của công chứng viên cũng như chất lượng của hoạt động công chứng.
Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tham mưu, tổng hợp của VPCP cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng, hoạch định chính sách, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các quy phạm pháp luật.
Định hướng chính sách sửa đổi Luật Công chứng
Bộ Tư pháp cho biết, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như: Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định nhằm phát triển và bảo đảm hoạt động công chứng nước ta theo công chứng nội dung; việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng.
Trên thực tế,chất lượng đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều, việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng còn bất cập, một số trình tự, thủ tục về công chứng không phù hợp với điều kiện thực tiễn, chưa tạo thuận lợi cho tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan. Hiện nay, vẫn chưa có cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất trong cả nước; việc chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu liên quan còn hạn chế…
Hiện nay, Bộ Tư pháp đề xuất 5 nhóm chính sách, định hướng lớn xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Thứ nhất, đó là xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; tiếp tục đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực theo lộ trình phù hợp.
Thứ hai, phát triển đội ngũ công chứng viên theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững.
Thứ ba, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để hỗ trợ cho công chứng viên thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao
Thứ tư, xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của công chứng viên, tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động công chứng.
Tại hội thảo, các chuyên gia của CHLB Đức đã chia sẻ kinh nghiệm của CHLB Đức về tổ chức và hoạt động công chứng của CHLB Đức (tiêu chuẩn, điều kiện đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, quy trình thủ tục công chứng, kiểm tra và các chế tài trong hoạt động công chứng…); quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của CHLB Đức về loại hợp đồng, giao dịch phải công chứng; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng (hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng trang thiết bị và công nghệ, nguồn kinh phí triển khai); quy định về vai trò của Hiệp hội các Phòng công chứng CHLB Đức…
Đại diện Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cho biết, để bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức, hoạt động, hỗ trợ nghề nghiệp và hợp tác quốc tế của hội công chứng viên trên toàn quốc, Luật Công chứng năm 2014 đã chính thức quy định Hiệp hội công chức viên Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các công chứng viên Việt Nam.
Để nâng cao năng lực, vai trò của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực công chứng, cần kiện toàn bộ máy và tổ chức nhân sự của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; mở rộng thêm sự hợp tác quốc tế để nhận được sự ủng hộ, chia sẻ kinh nghiệm trong hành nghề; bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ công chứng viên…
Tại hội thảo, các chuyên gia CHLB Đức đã chia sẻ về việc bảo vệ người tiêu dùng trong pháp luật về bất động sản của CHLB Đức; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng pháp luật về bảo đảm an toàn cho giao dịch bất động sản của Hiệp hội các Phòng công chứng CHLB Đức; trao đổi về việc gia nhập và thực thi các Công ước La Haye về tư pháp quốc tế liên quan đến hoạt động công chứng. Các chuyên gia đã trao đổi chuyên sâu việc gia nhập các Công ước La Haye về thừa kế và tác động đối với việc giải quyết vấn đề thừa kế có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam…
Thông qua hội thảo, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực thi Luật Công chứng được các chuyên gia Đức và đại biểu trao đổi sẽ là tài liệu tham khảo quý cho các cơ quan liên quan trong các quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) trong thời gian tới.
Nguồn: Chinhphu.vn