Việt Nam tổ chức Hội nghị Liên minh Công chứng Quốc tế lần thứ 10
- 0
- 0
- 0
- 0
Đoàn đại biểu đại diện nước chủ nhà Việt nam tại hội nghị liên minh công chứng quốc tế lần thứ 10.
Hội nghị toàn thể của Ủy ban các vấn đề Châu Á và trao đổi về số hóa trong hoạt động công chứng, tình hình số hoá công chứng, mức độ thực hiện công chứng từ xa ở mỗi nước thành viên, dự kiến trong tương lai …là những vấn đề quan trọng được hội nghị tập trung thảo luận.
Theo đó, hội nghị với sự tham gia của Tiến sỹ Cristina Noemi Armella – Chủ tịch Liên minh Công chứng quốc tế; Bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp; Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Dương Thiên Hương; Ông Tuấn Đạo Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Chủ tịch CAAs năm 2021. Ngoài ra, còn có sự góp mặt đông đảo của đại diện Hiệp Hội CC các nước thành viên Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ, Indonesia, Lebanon, Mongolia; công chứng các nước quan sát viên cùng Hội CC một số tỉnh, thành của Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tuấn Đạo Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Chủ tịch CAAs năm 2021 chia sẻ về vinh dự của Việt Nam khi là nước chủ nhà chủ trì hội nghị thường niên hàng năm của CAAs. Năm 2016 hội nghị tổ chức trực tiếp tại Hạ Long – Quảng Ninh, năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên tổ chức trực tuyến.
Ông Thanh nhấn mạnh dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động công chứng. Bên cạnh đó nhấn mạnh chủ đề về về số hóa trong hoạt động công chứng rất hay và rất nóng không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất sâu, rộng. Đây là dịp để công chứng viên các nước cùng nhau trao đổi sâu hơn về chủ đề, từ đó áp dụng kinh nghiệm, nâng cao chất lượng nghề công chứng ở nước ta.Việt Nam cũng mong muốn học hỏi được kinh nghiệm từ các nước bạn có thể đưa nghề công chứng hướng tới hiện đại hóa.
Các đại biểu tham gia Hội nghị trực tuyến.
Tại Hội nghị, bà Bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cũng chia sẻ: Bên cạnh yếu tố phát triển từ nội lực, hoạt động công chứng Việt Nam thời gian qua đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hiện Bộ Tư pháp đang khởi động các hoạt động để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng năm 2014 với nhiều định hướng mới, trong đó có việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng. Đồng thời bày tỏ mong muốn được các nước thành viên của Liên minh công chứng quốc tế chia sẻ thông tin, tài liệu liên quan đến pháp luật công chứng cũng như những bài học kinh nghiệm trong quá trình số hóa hoạt động công chứng.
Đại diện các nước tham gia cũng đưa ra cách thức từng nước ứng phó với những thách thức của nghề công chứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phức tạp, các vấn đề hợp tác quốc tế trong thời gian qua cũng được chia sẻ cởi mở.
Tiến sỹ Cristina Noemi Armella – Chủ tịch Liên minh công chứng quốc tế khi chia sẻ tại Hội nghị cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch đã chủ trì hội nghị trực tuyến rất thuận lợi, đồng thời bà cũng cho rằng số hoá trong hoạt động công chứng là điều tất yếu, đây là vấn đề được Liên minh công chứng quốc tế rất quan tâm. Làm như thế nào để đảm bảo hoạt động công chứng trong bối cảnh dịch COVID-19 càn quét khắp nơi trên thế giới là một bài toán cần các quốc gia thành viên trong Liên minh chung tay “ tìm lối gỡ rối” để phù hợp với tình hình hiện tại.
Hiện tại Việt Nam đã có 3.628 công chứng viên đang hành nghề tại 1.202 tổ chức hành nghề công chứng, đã có 59 Hội công chứng viên được thành lập tại các địa phương. Việc tham gia là thành viên Liên minh công chứng quốc tế, sự tham gia sâu hơn tại Ủy ban các vấn đề Châu Á, hoạt động công chứng Việt Nam đã có nhiều bước phát triển, góp phần tích cực đảm bảo an toàn cho các hợp đồng giao dịch.
Đặc biệt, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng ở Việt Nam hiện nay đang được triển khai và có nhiều bước tiến rõ rệt, cơ sở dữ liệu công chứng đã trở thành công cụ số hoá quan trọng giúp cho hoạt động hành nghề của công chứng viên được an toàn hơn, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong hoạt động công chứng. Tuy nhiên các vướng mắc về thể chế vẫn đang là một trong những rào cản lớn đối với ứng dụng công nghệ số trong thực hiện công chứng điện tử ở Việt Nam hiện nay.
Tại hội nghị cũng thống nhất, theo trình tự luân phiên thì năm 2022 sẽ đến lượt Nhật Bản đảm nhận chức Chủ tịch CAAs 2022. Trước đó hôm 31/8/2021, quốc gia này đã có văn bản chính thức thông tin là sẵn sàng để tiếp nhận chức Chủ tịch CAAs 2022.
Nguồn Báo điện tử Pháp luật Việt Nam