Hội thảo khoa học “Bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản”
- 0
- 0
- 0
- 0
Nhằm tạo diễn đàn pháp lý để trao đổi các nền tảng lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật về bất động sản và công chứng trong hoạt động bất động sản, từ đó đề góp phần xây dựng hành lang pháp lý bảo đảm an toàn trong giao dịch bất động sản, sáng ngày 09/05/2023, Trường Đại học Luật TP. HCM đã phối hợp cùng Hội Công chứng viên TP. HCM tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản” tại Hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.
Hội thảo có sự tham dự của Đại diện các cơ quan như: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Vĩnh Long; Bộ xây dựng; Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp TP. HCM; Tòa án nhân dân TP. HCM; Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Hội công chứng viên TP. HCM; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các đại biểu là luật sư, công chứng viên, giảng viên, sinh viên, học viên từ nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, công ty luật, trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều cơ quan truyền thông dự, đưa tin.
Hội thảo khoa học “Bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản” đón nhận sự quan tâm từ đông đảo chuyên gia, học giả trong nhiều lĩnh vực
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh vai trò cốt lõi của các đạo luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Công chứng trong hoạt động quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực bất động sản. Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hải, sự thiếu đồng bộ và chưa phù hợp trong các quy định này không chỉ tạo bất cập cho các doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch về bất động sản, mà còn gây ảnh hưởng đối với người tiêu dùng là bên yếu thế trong thị trường bất động sản nói chung.
PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo đã đón nhận nhiều sự quan tâm và tích cực đóng góp tham luận từ đông đảo học giả và chuyên gia đến từ các lĩnh vực có liên quan. Hội thảo được tổ chức thành 2 Phiên với 06 bài tham luận xoay quanh những vấn đề chung về bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản và hoạt động của công chứng trong bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản.
Thẩm phán Quách Hữu Thái – Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. HCM bày tỏ quan điểm về chủ đề Hội thảo
Trong phiên đầu tiên của Hội thảo với đề tài “Những vấn đề chung về bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản”, các tham luận được trình bày gồm: Tham luận “Bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản từ lý luận sở hữu toàn dân về đất đai” của GS.TS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tham luận “Các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách hàng mua nhà hình thành trong tương lai” của TS. Lưu Quốc Thái – Giảng viên Khoa Luật Thương Mại, Trường ĐH Luật TP. HCM; Tham luận “Bảo đảm an toàn giao dịch về bất động sản: các mô hình tiêu biểu và khuyến nghị về sự lựa chọn của Việt Nam” của Viện sĩ, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP. HCM).
Đoàn Chủ tọa phiên 1 (từ trái sang) gồm PGS.TS Hà Thị Thanh Bình – Trưởng Khoa Luật Thương Mại, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Ông Huỳnh Văn Hạnh – Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM; Thẩm phán Quách Hữu Thái – Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM
GS.TS. Đặng Hùng Võ chia sẻ về đề tài “Bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản từ lý luận sở hữu toàn dân về đất đai”
TS. Lưu Quốc Thái với tham luận “Các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách hàng mua nhà hình thành trong tương lai”
Viện sĩ, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện trình bày tham luận “Bảo đảm an toàn giao dịch về bất động sản: các mô hình tiêu biểu và khuyến nghị về sự lựa chọn của Việt Nam”
Những góc nhìn khái quát và gợi mở từ các tham luận đã thu hút sự quan tâm thảo luận của các đại biểu tham dự Hội thảo. Thực tiễn cho thấy những hiện tượng tiêu cực như vấn đề nhập nhằng trong hoạt động huy động vốn của chủ đầu tư, chủ đầu tư yêu cầu khách hàng phải ký kết hợp đồng đặt cọc trước khi dự án được cơ quan cấp phép đến từ việc cơ chế pháp lý còn nhiều hạn chế và thiếu tính sát sao. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong giao dịch về bất động sản với chủ đầu tư nói riêng, mà còn thể hiện sự kém hiệu quả trong bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản nói chung.
Từ nền tảng của phiên làm việc thứ nhất, phiên làm việc thứ hai tiếp tục đi sâu vào “Hoạt động của công chứng trong bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản”. Theo đó, các tham luận lần lượt được trình bày bao gồm: “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh – Giải pháp góp phần đảm bảo an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản” của Ông Huỳnh Văn Hạnh – Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM; “Vai trò của công chứng trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch về bất động sản” của CCV. Hoàng Mạnh Thắng – Trưởng phòng Phòng Công chứng số 7, TP. HCM; “Văn bản công chứng – Công cụ pháp lý hiện đại đảm bảo an toàn cho các giao dịch bất động sản của Nhà nước pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” của CCV. Nguyễn Hồ Phương Vinh – Phó Trưởng phòng Phòng Công chứng số 1, TP. HCM.
Đoàn Chủ tọa phiên 2 (từ trái sang) gồm TS. Phạm Văn Võ – Phó Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP. HCM; Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện – Trường Đại học Kinh tế Luật – ĐHQG TP. HCM, Bà Ngô Minh Hồng – Chủ tịch Hội Công chứng viên TP. HCM; Bà Ung Thị Xuân Hương – Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM;
Phiên thứ hai mở đầu với tham luận “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh – Giải pháp góp phần đảm bảo an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản” của Ông Huỳnh Văn Hạnh GĐ Sở Tư pháp TP.HCM
CCV. Hoàng Mạnh Thắng trình bày tham luận “Vai trò của công chứng trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch về bất động sản”
CCV. Nguyễn Hồ Phương Vinh trình bày tham luận Văn bản công chứng – Công cụ pháp lý hiện đại đảm bảo an toàn cho các giao dịch bất động sản của Nhà nước pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”
Khai thác chủ đề hoạt động của công chứng trong giao dịch bất động sản, Hội thảo đã đặt ra các vấn đề như: Mức độ an toàn của hợp đồng giao dịch bất động sản đã công chứng trên thực tế; Cơ chế giải quyết khi hợp đồng mẫu mà chủ đầu tư đăng ký với cơ quan thẩm quyền có sự khác biệt so với hợp đồng đã ký kết với khách hàng; Mô hình hoạt động của hệ thống công chứng của một số nước phát triển và định hướng áp dụng cho Việt Nam… Nhìn chung, các chuyên gia thống nhất cho rằng cần có bước phát triển, mở rộng phạm vi công chứng các hợp đồng giao dịch về bất động sản và nâng cao hơn nữa vai trò của công chứng trong những giao dịch về bất động sản, góp phần tạo tiền đề sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Bà Ngô Minh Hồng – Chủ tịch Hội Công chứng viên TP. HCM phát biểu bế mạc Hội thảo
Toàn thể Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm trong buổi giải lao giữa hai phiên làm việc
Hội thảo khoa học “Bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản” đã diễn ra trong bầu không khí sôi nổi với nhiều kiến nghị, góp ý khoa học thiết thực, hữu ích trong cả các vấn đề lý luận lẫn thực tiễn áp dụng pháp luật, từ đó đóng góp tích cực các Dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Công chứng, hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn trong giao dịch bất động sản.
Nguồn: Ban Truyền thông Ulaw