Hiệp Hội Công Chứng Viên Việt Nam
Xác thực ý chí - Tạo lập niềm tin

Phát huy tính tự quản nghề nghiệp của Hội Công chứng viên tỉnh Thanh Hóa

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

Hội Công chứng viên (CCV) tỉnh Thanh Hóa ra đời năm 2015 trong bối cảnh lĩnh vực công chứng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Các CCV, hội viên hoạt động hành nghề công chứng đã đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia vào các giao dịch dân sự, kinh tế, giảm tải cho nhiều dịch vụ công do Nhà nước thực hiện.

Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, Trưởng phòng Công chứng Nam Thành Lê Ngọc Lân tư vấn cho khách hàng.

Theo đó, Hội CCV tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 5056/QĐ-UBND ngày 2/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh. Từ 68 CCV và 35 CCV tập sự với 40 tổ chức hành nghề công chứng khi mới thành lập, đến nay hội đã có 110 CCV thuộc 55 tổ chức hành nghề công chứng, phân bổ ở 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Hội CCV tỉnh Lê Ngọc Lân cho biết: Hội CCV tỉnh đã đồng hành cùng với các cơ quan chức năng, nhất là Sở Tư pháp trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng. Định kỳ hằng năm, hội phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các hội nghị tập huấn hoặc trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ về công chứng, chứng thực, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch, các giấy tờ công chứng, chứng thực.

Bên cạnh đó, Hội CCV tỉnh đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời kỳ cải cách mạnh mẽ nền hành chính, tư pháp. Hoạt động hành nghề của các tổ chức hành nghề công chứng và các CCV được người dân, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan như ngân hàng, thuế, tài nguyên và môi trường… tin tưởng, xem hoạt động công chứng là dịch vụ không thể thiếu nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của mình.

Các CCV, hội viên hoạt động hành nghề công chứng luôn tuân thủ đúng theo các quy định của Luật Công chứng và các văn bản pháp luật có liên quan, chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, hằng năm Sở Tư pháp đều xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng. Hội cũng tham gia ý kiến với Sở Tư pháp trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm CCV, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Năm 2023, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 214.797 việc, trong đó có 206.467 hợp đồng giao dịch; chứng thực bản sao từ bản chính 243.329 bản; chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản 8.965 việc; thu phí công chứng, chứng thực trên 60 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 6 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Ngọc Minh cho biết: Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội CCV tỉnh, thời gian tới hội cần đổi mới phương thức hoạt động; ban hành quy trình kết nạp hội viên, đặc biệt là các CCV không thường xuyên thường trú tại Thanh Hóa; tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp triển khai hiệu quả phần mềm cơ sở dữ liệu hồ sơ công chứng; thông tin đến toàn thể hội viên về một số sai phạm trong hoạt động công chứng để rút kinh nghiệm trong hoạt động hành nghề. Cùng với đó, tăng cường giám sát các tổ chức hành nghề, hội viên, đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, đảm bảo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Quan tâm việc thi đua, khen thưởng, kỷ luật, để bổ sung hình thức xem xét kỷ luật đối với CCV vi phạm, bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng hoặc tước quyền sử dụng thẻ CCV… đảm bảo Hội Công chứng viên tỉnh thực sự là “mái nhà chung” để các CCV bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.

Bài và ảnh: Tiến Đạt

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-huy-tinh-tu-quan-nghe-nghiep-cua-nbsp-hoi-cong-chung-vien-tinh-thanh-hoa-210151.htm