Phát huy vài trò tự quản của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam
- 1
- 1
- 0
- 0
Sáng ngày 26/12, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai Kế hoạch hoạt động năm 2024. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Chí Thiện và Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoàng Xuân Hoan đồng chủ trì Hội nghị.
63/63 địa phương đã thành lập Hội công chứng viên
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Hoàng Xuân Hoan cho biết, thực hiện Kế hoạch công tác nhiệm kỳ II 2022-2027, năm 2024 (theo NQ số 02/NQ-HĐCCVTQ), Hội đồng công chứng viên toàn quốc đã ban hành 05 nghị quyết, trong đó gồm 01 nghị quyết của Hội đồng và 04 nghị quyết của Ban Thường vụ; ban hành 06 quy chế và 01 quy định (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi (giữa); Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Chí Thiện (trái) và Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoàng Xuân Hoan (phải) đồng chủ trì Hội nghị.
Bộ máy tổ chức của Hiệp hội cơ bản đã được xác định rõ. Văn phòng Hiệp hội và các cơ quan chuyên môn của Hội đồng công chứng viên toàn quốc đã bổ nhiệm các trưởng ban, phó ban và các thành viên của ban. Đối với các hội công chứng viên tại các địa phương, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Hội công chứng viên. 51/63 Hội công chứng viên đã hoàn thành các thủ tục gia hạn nhiệm kỳ phù hợp với thời hạn nhiệm kỳ của Hiệp hội theo Điều lệ.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã tham gia góp ý, xây dựng và phản biện chính sách; khảo sát, tập hợp các vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ và quá trình hành nghề của công chứng viên tại các địa phương; bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp; Xây dựng và triển khai thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Hoàng Xuân Hoan.
Đồng thời, Hiệp hội cũng thực hiện theo dõi và đôn đốc việc thu nộp phí hội viên; xây dựng và ban hành các quy định chi tiết về định mức thu chi tài chính của Hiệp hội, cơ chế hạch toán tài chính; nghiên cứu, đề xuất phương án bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên và phương án thành lập quỹ bồi thường thiệt hại cho công chứng viên; Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật công chứng và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, xử lý khiếu nại, tố cáo…
Tuy nhiên, trong năm 2024, việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và xây dựng kế hoạch hành động từng năm và cả nhiệm kỳ của từng ban, đơn từng đơn vị của Hiệp hội còn chưa kịp thời; Việc tập hợp các vướng mắc về chuyên môn từ các Hội công chứng địa phương để tổ chức rút kinh nghiệm, đưa ra phương án giải quyết vướng mắc chưa được tiến hành do phải tập trung cho các nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng và xây dựng chính sách,…
Hoàn thành việc xây dựng và ổn định bộ máy của Hiệp hội
Trong năm 2025, hoạt động của Hiệp hội hướng tới việc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định tại Điều 4 của Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam với đúng tôn chỉ, mục đích đã đặt ra.
Cụ thể, Hiệp hội cần hoàn thành việc xây dựng và ổn định bộ máy, xây dựng hoàn chỉnh và ban hành các nội quy, quy chế làm cơ sở cho các hoạt động của Hiệp hội; duy trì tinh thần đoàn kết trong nội bộ Ban Thường vụ, trong Hội đồng công chứng viên toàn quốc; Phát huy vai trò tự quản của Hiệp hội trong việc quản lý hội viên; Triển khai thành công việc bồi dưỡng nghiệp vụ trực tuyến và cấp chứng chỉ điện tử,…
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cần tập trung giải quyết dứt điểm các công việc còn tồn đọng của năm 2024; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông phục vụ việc triển khai thi hành Luật Công chứng (sửa đổi); Tham khảo kinh nghiệm trong và ngoài nước, xây dựng đề án Quỹ bồi thường thiệt hại công chứng viên; Tiến hành các thủ tục thành lập Quỹ; Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, xây dựng và triển khai các công việc liên quan đến hoạt động chuyển đổi số công chứng.
Hướng tới triển khai đồng bộ, kịp thời Luật Công chứng (sửa đổi)
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, để Luật Công chứng năm 2024 được triển khai đồng bộ, kịp thời thì Bộ Tư pháp cần sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền. Đồng thời, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cũng đề nghị Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công chứng (sửa đổi); đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật…
Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Hải Dương mong muốn Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu cho Chính phủ quy định xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với các trường hợp người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo; đồng thời định kỳ tổ chức các kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng để tạo nguồn bổ nhiệm công chứng viên nhằm khắc phục tình trạng thiếu công chứng viên trong giai đoạn hiện nay…
Bà Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Hải Dương.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận những kết quả đã đạt được và sự tích cực, chủ động của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động công chứng. Cùng với đó, hoạt động của Hiệp hội và các Hội ở địa phương dần đi vào nề nếp; hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế cũng đạt được nhiều kết quả tích cực,… đóng góp vào thành công chung của hoạt động công chứng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi.
Tuy nhiên, trong năm 2024, hoạt động của Hiệp hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: xảy ra sai sót, vi phạm trong hành nghề công chứng; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng còn hạn chế; hoạt động của Hiệp hội và các Hội ở địa phương còn chưa đồng đều,… dẫn đến việc thực hiện một số nhiệm vụ chưa đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Thứ trưởng yêu cầu thời gian tới, trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị thực hiện sắp xếp tinh, gọn bộ máy, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cần phát huy hết sứ mệnh, chức trách, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là vai trò tự quản để hoạt động của Hiệp hội đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo tính chuyên nghiệp, tuân thủ quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi cũng nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng là một yêu cầu cấp bách đặt ra cho Hiệp hội, đảm bảo tính đồng bộ, tránh bị tụt hậu, không bị đào thải trong tổ chức bộ máy cũng nưh hoạt động của Hiệp hội.
Về phía Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật công chứng và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đối với Hiệp hội; đồng thời tăng cường phối hợp trong triển khai thi hành Luật công chứng (sửa đổi).
Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện cho biết sẽ hoàn thiện Báo cáo tổng kết để đưa vào Chương tình hành động năm 2025 của Hiệp hội. Đồng chí đề nghị các hội viên của Hiệp hội cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giai đoạn mới; tập trung xây dựng quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; phát huy những thành tích trong công tác đối ngoại và nâng cao hiệu quả của các Ban trong Hiệp hội hướng đến hoạt động đồng đều, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Một số hình ảnh khác tại Hội nghị:
Thu Nga – Trung tâm Thông tin – Bộ Tư pháp
Nguồn: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo.aspx?ItemID=6735