Hiệp Hội Công Chứng Viên Việt Nam
Xác thực ý chí - Tạo lập niềm tin

Bình luận một số điểm mới của Luật Công chứng năm 2024

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Công chứng năm 2014 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, đáp ứng nhu cầu của xã hội; đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số của quốc gia theo đúng định hướng mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.

Ngày 26/11/2024, tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công chứng năm 2024 với 450/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,95% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật Công chứng năm 2024 được ban hành tạo cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm tính hệ thống của văn bản quy phạm pháp luật trong mối tương quan giữa Luật Công chứng với một số luật khác liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng như Luật Căn cước năm 2023, Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024.

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp, Luật Công chứng năm 2024 gồm 08 chương và 76 điều, giảm 05 điều so với Luật Công chứng năm 2014. Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025[1].

Bài viết nghiên cứu và bình luận một số điểm mới liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng dưới cách tiếp cận của một công chứng viên là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật Công chứng năm 2024 sau khi được ban hành và có hiệu lực, đặc biệt, một số điểm mới có tác động lớn đến lĩnh vực công chứng như quy định về giới hạn độ tuổi hành nghề hoặc phải chụp ảnh khi chứng nhận giao dịch hoặc nội dung về công chứng điện tử…

1. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 9)

Luật Công chứng năm 2024 sử dụng thuật ngữ “giao dịch” thay cho “hợp đồng, giao dịch” (khoản 1 Điều 2), không quy định công chứng viên “chứng nhận bản dịch” mà chuyển thành “chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực” (điểm c khoản 1 Điều 18).

Về thuật ngữ “công chứng”, Luật Công chứng năm 2024 quy định rõ hơn khái niệm giao dịch phải công chứng tại khoản 1 Điều 3, theo đó, “giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định hoặc luật giao Chính phủ quy định phải công chứng”. Như vậy, có thể hiểu rằng, Chính phủ cũng có thẩm quyền quy định giao dịch phải công chứng do được “luật giao” hay nói theo cách khác, có 02 cơ quan quy định giao dịch phải công chứng là Quốc hội và Chính phủ, bên cạnh đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của mình (khoản 2 Điều 3).

Liên quan đến giao dịch phải công chứng, có quan điểm cho rằng, nội dung này cần phải được quy định tại Luật Công chứng. Nhưng về nguyên tắc, Luật Công chứng là luật hình thức nên không quy định cụ thể giao dịch phải công chứng để không trùng lặp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, trước khi sửa đổi Luật Công chứng, một số nghị định đã quy định các giao dịch phải công chứng. Do đó, để bảo đảm sự ổn định của Luật cũng như bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân cấp, phân quyền phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tại điều khoản chuyển tiếp, Luật đã bổ sung “… quy định về giao dịch phải công chứng tại nghị định được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không được luật giao Chính phủ quy định nhưng đáp ứng các yêu cầu khác quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật này và quy định về giao dịch phải công chứng tại nghị định được ban hành để xử lý kết quả rà soát theo quy định tại khoản này thì vẫn có hiệu lực thi hành” (khoản 13 Điều 76)[2].

Về chứng thực chữ ký người dịch thay cho chứng nhận bản dịch được xem là phù hợp với thực tế hành nghề của công chứng viên, bởi lẽ, nếu công chứng viên không thông thạo ngoại ngữ thì rất khó kiểm soát nội dung bản dịch, để xem nội dung bản dịch có vi phạm pháp luật, có trái đạo đức xã hội hay không. Thực tế, một số tổ chức hành nghề công chứng về cơ bản cũng chưa xây dựng được đội ngũ cộng tác viên dịch thuật thực sự tâm huyết, gắn bó, tin tưởng… dẫn đến chưa bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch. Chính vì vậy, việc công chứng viên chứng thực chữ ký người dịch và chỉ chịu trách nhiệm về chữ ký của người dịch được coi là phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là cần phải quy định chặt chẽ trách nhiệm của người dịch đối với tính chính xác của bản dịch so với bản gốc mà công chứng viên đã đối chiếu.

Điều 7 Luật Công chứng năm 2024 quy định trường hợp người yêu cầu công chứng sử dụng tiếng nói, chữ viết không phải là tiếng Việt hoặc sử dụng ngôn ngữ của người khuyết tật thì phải dịch sang tiếng Việt. Việc phải dịch phải bảo đảm cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ khi tham gia giao dịch cũng như để thống nhất với một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan[3]. Đối với người khuyết tật nhìn, người khuyết tật nghe, nói thì phải có người phiên dịch và người phiên dịch bên cạnh các điều kiện khác phải bảo đảm biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng (khoản 3 Điều 49).

Để hạn chế tình trạng thuê “thẻ công chứng viên”, Điều 9 Luật Công chứng năm 2024 quy định cấm công chứng viên thực hiện hành vi cho người khác sử dụng quyết định bổ nhiệm công chứng viên, thẻ công chứng viên của mình… hoặc cấm đầu tư toàn bộ hoặc góp vốn với công chứng viên khác để thành lập, nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của toàn bộ thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh mà không tham gia hợp danh vào Văn phòng công chứng đó… Trường hợp để xảy ra vi phạm thì Văn phòng công chứng có thể bị thu hồi quyết định cho phép thành lập (điểm i khoản 1 Điều 33). Như vậy, trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa các “chủ đầu tư” không phải là công chứng viên với công chứng viên đang hành nghề hoặc/và công chứng viên không thực sự hành nghề, … theo quy định mới, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có cơ sở pháp lý để thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng. Vì vậy, với những quy định mới này hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng thuê (mượn) thẻ công chứng viên trong hoạt động hành nghề công chứng đã xảy ra trên thực tế hiện nay.

2. Công chứng viên (từ Điều 10 đến Điều 18)

Luật Công chứng năm 2024 bổ sung quy định về độ tuổi bổ nhiệm, độ tuổi hành nghề công chứng của công chứng viên. Cụ thể, khoản 1 Điều 10 quy định một trong các tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên là “công dân Việt Nam không quá 70 tuổi” và công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm khi quá 70 tuổi (khoản 1 Điều 16). Tuy nhiên, “công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành…” (khoản 5 Điều 76)[4]. Bên cạnh đó, Luật đã giảm thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên ở khoản 2 Điều 8 Luật Công chứng năm 2014 thành “từ đủ 03 năm trở lên” (khoản 4 Điều 10) khi quy định tiêu chuẩn xem xét bổ nhiệm công chứng viên. Đối với người đã bị kết án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích cũng không được bổ nhiệm công chứng viên (khoản 2 Điều 14).

Nghiên cứu và thực tế cho thấy, việc giới hạn độ tuổi bổ nhiệm cũng như độ tuổi hành nghề của công chứng viên là thực sự cần thiết, vì người hành nghề công chứng (cung cấp dịch vụ công) đòi hỏi độ chính xác, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm pháp lý cao trong việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của giao dịch nên cần có sức khỏe nhằm bảo đảm khi hành nghề; mặt khác, độ tuổi lao động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định đối với nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi sẽ nghỉ hưu nên việc giới hạn độ tuổi bổ nhiệm và độ tuổi hành nghề này là hợp lý[5].

Ở góc độ khác, quy định về việc giới hạn độ tuổi bổ nhiệm cũng như độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong mối tương quan với việc giảm thời gian công tác pháp luật dường như lại có “hạt nhân” logic với nhau, cụ thể: khi Luật Công chứng năm 2024 giới hạn độ tuổi bổ nhiệm, độ tuổi hành nghề sẽ dẫn đến tình trạng thiếu công chứng viên (mặc dù số lượng công chứng viên hành nghề có độ tuổi từ 70 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa tới 10%)[6], trong khi đó, việc giảm thời gian công tác pháp luật từ 05 năm xuống còn từ đủ 03 năm trở lên sau khi đã có bằng cử nhân luật, thạc sĩ luật, tiến sĩ luật thì dự kiến sẽ đáp ứng đủ số lượng công chứng viên trong cả nước. Song, cũng có quan điểm cho rằng, việc giới hạn độ tuổi bổ nhiệm, độ tuổi hành nghề công chứng sẽ làm lãng phí nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, đặc biệt là đối với một số tỉnh ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; việc giảm thời gian công tác pháp luật trước khi bổ nhiệm cũng chưa thực sự thuyết phục mà cần giữ nguyên như Luật Công chứng năm 2014, bởi, nghề công chứng là nghề có độ rủi ro cao nên người được bổ nhiệm cần có kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng nghề thành thạo mới đủ điều kiện bổ nhiệm[7].

Liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm, độ tuổi hành nghề và giảm thời gian công tác pháp luật, để nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên cũng như bảo đảm về số lượng và phát triển ổn định, bền vững, Luật Công chứng năm 2024 đã quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải hoàn thành chương trình đào tạo nghề công chứng. Cụ thể, Luật không quy định miễn đào tạo nghề công chứng như Luật Công chứng năm 2014 mà những đối tượng này phải tham gia khóa đào tạo nghề công chứng có thời gian 06 tháng (khoản 3 Điều 11)[8]. Đồng thời, Luật quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng nhằm bảo đảm sự thống nhất và để người tập sự có đủ thời gian vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn, thực hành[9].

Luật Công chứng năm 2024 quy định, khi hành nghề, công chứng viên được khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật để thực hiện việc công chứng (điểm d khoản 1 Điều 18). Nghiên cứu và thực tiễn hoạt động hành nghề công chứng cho thấy, nếu công chứng viên được truy cập vào cơ sở dữ liệu công dân, hộ tịch, đất đai… sẽ giúp hạn chế tối đa việc giả mạo, đặc biệt, tác động lớn nhất đối với hoạt động công chứng hiện nay là căn cước không có dấu vân tay (khoản 2 Điều 18 Luật Căn cước năm 2023), nên việc xác định chủ thể được xem là khó khăn đối với công chứng viên[10]. Ở giai đoạn đầu, giải pháp trước mắt khi công chứng viên chưa được khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu thì có thể sử dụng căn cước công dân cũ hoặc văn bản cũ đã được chứng nhận có trên hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng để tham khảo.

3. Tổ chức hành nghề công chứng (từ Điều 19 đến Điều 36)

Luật Công chứng năm 2024 giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành Đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, đồng thời “xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo quy định của Chính phủ” (khoản 3 Điều 19). Như vậy, quy định này cho thấy, tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch, còn các việc chứng thực khác như chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký… thì người dân vẫn có thể lựa chọn thực hiện tại Phòng Tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.

Về tổ chức hành nghề công chứng, Luật Công chứng năm 2024 có những thay đổi như bổ sung loại hình doanh nghiệp tư nhân bên cạnh loại hình công ty hợp danh. Cụ thể “tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân” (khoản 1 Điều 23). Bên cạnh đó, về tên gọi của Văn phòng công chứng bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” và tên riêng bằng tiếng Việt bảo đảm không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác đang hoạt động trong phạm vi toàn quốc (khoản 4 Điều 23)[11]… Văn phòng công chứng chỉ được thay đổi địa chỉ trụ sở trong phạm vi địa bàn cấp huyện nơi đặt trụ sở… (khoản 1 Điều 26). Mặt khác, Luật Công chứng năm 2024 gián tiếp thừa nhận thành viên hợp danh là công chứng viên góp vốn và bổ sung dự thảo Điều lệ khi thành lập Văn phòng công chứng, trường hợp Văn phòng công chứng được thành lập theo luật cũ mà chưa có Điều lệ thì phải xây dựng Điều lệ; thành viên hợp danh chưa góp vốn thì phải thực hiện góp vốn và gửi tài liệu chứng minh về Sở Tư pháp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành… (khoản 7 Điều 76);

Nghiên cứu cho thấy, Luật Công chứng năm 2024 quy định việc xây dựng Điều lệ và việc góp vốn là cần thiết, bởi: một là, phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp; hai là, góp phần giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có). Bên cạnh đó, việc thay đổi tên gọi của Văn phòng công chứng ở Điều 23 là phù hợp, vì quy định cũ gây tốn kém về thời gian và chi phí (đổi biển, đổi dấu…), người yêu cầu công chứng có thể gặp khó khăn khi có nhu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ giao dịch do tên gọi của Văn phòng công chứng khác so với thông tin tại văn bản công chứng đã được chứng nhận. Ngoài ra, Luật Công chứng năm 2024 quy định Văn phòng công chứng chỉ được thay đổi địa chỉ trụ sở trong phạm vi địa bàn cấp huyện nơi đặt trụ sở sẽ khắc phục được thực trạng Văn phòng ở các huyện chuyển về địa bàn trung tâm dẫn đến thiếu hụt tổ chức hành nghề công chứng ở địa bàn cấp huyện còn có điều kiện khó khăn, qua đó tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng .

Liên quan đến tổ chức hành nghề công chứng, sau khi chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo khoản 6 Điều 27 thì sau thời hạn 02 năm, công chứng viên mới được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới, hợp danh vào Văn phòng công chứng khác hoặc mua Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Thành viên hợp danh có thể bị “khai trừ” khỏi Văn phòng công chứng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, hậu quả của việc bị khai trừ dường như đang bỏ ngỏ hay nói cách khác, thành viên hợp danh bị khai trừ thường gắn với sự vi phạm nên cần có chế tài xử lý[12]. Nghiên cứu cho thấy, khi thành viên hợp danh bị khai trừ thì sau thời hạn 05 năm, công chứng viên mới được tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới, hợp danh vào Văn phòng công chứng khác hoặc mua Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân[13].

Thành viên hợp danh rút vốn hoặc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình thì Văn phòng công chứng phải còn ít nhất 02 thành viên hợp danh tại thời điểm thành viên hợp danh được rút vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp (khoản 2 Điều 27), trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 76[14]. Ngoại lệ, Văn phòng công chứng có thể tồn tại 01 thành viên hợp danh do thành viên hợp danh còn lại chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, bị khai trừ khỏi Văn phòng công chứng, bị miễn nhiệm công chứng viên hoặc bị Tòa án cấm hành nghề công chứng và trong trường hợp này, Văn phòng công chứng phải bổ sung ít nhất 01 thành viên hợp danh mới trong thời hạn 06 tháng nếu không sẽ bị thu hồi quyết định cho phép thành lập (khoản 2 Điều 33).

4. Hành nghề công chứng (từ Điều 37 đến Điều 41)

Luật Công chứng năm 2024 có điểm mới ở Chương IV quy định về bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng. Cụ thể, trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động thì công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải tự mình bồi thường thiệt hại, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc nhân viên của 01 tổ chức hành nghề công chứng” (khoản 1 Điều 40). Như vậy, trách nhiệm gây thiệt hại phải bồi thường đến cùng là phù hợp với mối quan hệ “nhân quả”, qua đó nâng cao trách nhiệm hoạt động nghề nghiệp của công chứng viên trong quá trình hành nghề công chứng

5. Thủ tục công chứng giao dịch (từ Điều 42 đến Điều 65)

Nghiên cứu cho thấy, Chương V của Luật Công chứng năm 2024 là trọng tâm, liên quan trực tiếp đến quá trình hành nghề của công chứng viên. Luật Công chứng năm 2024 chia nhỏ các mục, gồm: mục 1 về thủ tục chung về công chứng; mục 2 về thủ tục công chứng một số giao dịch, nhận lưu giữ di chúc; mục 3 về công chứng điện tử đã cho thấy tầm quan trọng của chương này.

Điều 42 Luật Công chứng năm 2024 về hồ sơ thực hiện giao dịch không quy định Phiếu yêu cầu công chứng nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính. Nghiên cứu cho thấy, sau khi Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành, công chứng viên cần thận trọng trong một số giao dịch, như giao dịch ủy quyền có nội dung định đoạt nhưng hai bên không có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng hoặc giao dịch có người cao tuổi hoặc có sự tham gia của người làm chứng hay người phiên dịch.

Đồng thời, khoản 7 Điều 42 Luật Công chứng năm 2024 quy định “đối với các giấy tờ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này mà người yêu cầu công chứng không có bản chính tại thời điểm công chứng viên ký vào lời chứng thì có thể xuất trình bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực”. Nghiên cứu cho thấy, quy định cho phép sử dụng “bản sao có chứng thực” dường như quá rộng với thực tế bản sao không có bản chính và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho công chứng viên trong thực tiễn hoạt động hành nghề. Liên quan đến quy định này, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công chứng viên cũng như tổ chức hành nghề công chứng trong việc tuân thủ pháp luật và đạo đức hành nghề công chứng, đặc biệt là việc chứng thực bản sao từ bản chính.

Điều 46 Luật Công chứng năm 2024 quy định về địa điểm công chứng, có sửa đổi quan trọng trong việc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, gồm 04 trường hợp được liệt kê cụ thể và một trường hợp phải có lý do chính đáng khác theo quy định của Chính phủ[15]. Liên quan đến nội dung này, có quan điểm cho rằng, công chứng viên chỉ được công chứng ngoài trụ sở trong một số trường hợp cụ thể đã được liệt kê để tránh tình trạng lạm dụng “lý do chính đáng khác” và quy định này là cần thiết nhằm “bảo đảm tính nghiêm túc của dịch vụ công”[16]. Nghiên cứu cho thấy, trong tương lai, một số lý do chính đáng khác để công chứng viên có thể thực hiện công chứng ngoài trụ sở, như giao dịch có sự tham gia của người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 50 Luật Công chứng năm 2024 quy định việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp ảnh và lưu trữ trong hồ sơ công chứng, trừ trường hợp đã đăng ký chữ ký mẫu. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng vân tay của ngón trỏ phải; nếu không sử dụng được vân tay của ngón trỏ phải thì sử dụng vân tay của ngón trỏ trái; trường hợp không thể sử dụng vân tay của 02 ngón trỏ đó thì sử dụng vân tay của ngón khác và công chứng viên phải ghi rõ trong lời chứng việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng vân tay của ngón nào, của bàn tay nào để điểm chỉ (khoản 3 Điều 50)[17].

Nghiên cứu cho thấy, quy định công chứng viên phải chụp ảnh khi tác nghiệp mang tính hiệu quả cao trong việc phòng ngừa, ngăn chặn thực trạng người yêu cầu công chứng ký giao dịch nhưng không ký “trước mặt” công chứng viên để bảo đảm an toàn pháp lý đối với giao dịch được chứng nhận. Trong trường hợp người yêu cầu công chứng không đồng ý chụp ảnh thì công chứng viên có thể từ chối yêu cầu công chứng, do vậy, nội dung này nên được phổ biến tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ[18]. Tuy nhiên, trên thực tế có thể phát sinh tình huống người yêu cầu công chứng đồng ý chụp ảnh nhưng lại bị hạn chế bởi cơ quan có thẩm quyền, như người yêu cầu công chứng đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù[19]. Mặt khác, cần lưu ý, việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp ảnh thì thời điểm chụp ảnh là thời điểm người yêu cầu công chứng ký/hoặc điểm chỉ vào văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên.

Có thể nói, quy định phải chụp ảnh là thủ tục bắt buộc nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện công chứng, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ trình tự, thủ tục công chứng cả ở trong và ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng. Khi Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực, dự kiến ở những tỉnh thành phố lớn, quy định này sẽ tác động không nhỏ đến số lượng giao dịch của tổ chức hành nghề công chứng, những tổ chức hành nghề công chứng có nhiều công chứng viên sẽ có lợi thế trong giải quyết yêu cầu công chứng của khách hàng, đặc biệt là việc ký ngoài trụ sở.

Điều 52 Luật Công chứng năm 2024 về việc sửa lỗi kỹ thuật, quy định công chứng viên phải “ghi thời điểm sửa lỗi kỹ thuật kèm theo họ, tên, chữ ký của mình và đóng dấu…; trường hợp khoảng trống bên lề không đủ chỗ… thì có thể ghi vào trang đính kèm có đầy đủ các nội dung…”. Nghiên cứu cho thấy, khi sửa lỗi kỹ thuật, công chứng viên có thể ghi vào trang đính kèm là phù hợp với thực tế, vì một số trường hợp nếu sửa nhiều lỗi thì lề của văn bản công chứng có thể không đủ rộng, không đáp ứng được nên quy định này là thiết thực.

Điều 53, Luật Công chứng năm 2024 quy định việc “chấm dứt” giao dịch và hành vi pháp lý đơn phương, cụ thể “việc công chứng văn bản sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ văn bản là hành vi pháp lý đơn phương được thực hiện khi có yêu cầu của người đã ký kết văn bản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy, khi Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành thì hành vi pháp lý đơn phương đã được thực hiện có thể sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ theo ý chí của người yêu cầu công chứng, qua đó tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, nhằm giải quyết một số bất cập trên thực tế liên quan đến thủ tục công chứng, như “chấm dứt” công việc ủy quyền theo giấy ủy quyền/văn bản ủy quyền do bên ủy quyền thực hiện hoặc “hủy bỏ” văn bản từ chối nhận di sản hoặc văn bản phân chia di sản…

Về ủy quyền, trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng quy định tại Điều 57 Luật Công chứng năm 2024 cũng là điểm mới mang tính thiết thực, phù hợp với thực tế. Theo quy định này, người yêu cầu công chứng không bị hạn chế về nơi cư trú khi yêu cầu công chứng mà mỗi bên có thể lựa chọn tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện việc công chứng hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, nếu sai sót dẫn đến phải sửa lỗi kỹ thuật thì việc sửa lỗi kỹ thuật “được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng,…” (khoản 3 Điều 57). Văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nên quy định cho phép một trong hai tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng trước đó được sửa lỗi kỹ thuật; đồng thời, có trách nhiệm thông báo và gửi 01 bản sao của văn bản sửa lỗi kỹ thuật cho tổ chức hành nghề công chứng còn lại để lưu hồ sơ công chứng.

Liên quan đến thủ tục thừa kế, Điều 59 Luật Công chứng năm 2024 chỉ ghi nhận hình thức Văn bản phân chia di sản, kể cả trong trường hợp chỉ có 01 người thừa kế. Về cơ bản, thay đổi này nhằm thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 do Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định phân chia di sản, không quy định khai nhận di sản. Liên quan đến nội dung này, trong trường hợp người chết có để lại di chúc mà di chúc được công chứng thì “việc công bố di chúc lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện theo quy định của Chính phủ” (khoản 3 Điều 61). Như vậy, so với quy định của Luật Công chứng năm 2014, Luật Công chứng năm 2024 đã bổ sung quy định về việc Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể thủ tục công bố di chúc lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng. Mặc dù quy định này làm phát sinh thêm thủ tục hành chính cho công chứng viên cũng như cho tổ chức hành nghề công chứng nhưng tạo sự đồng bộ, thống nhất đối với việc phân chia di sản thừa kế có di chúc được công chứng mà trước đây hầu như không được công chứng viên quan tâm thực hiện[20].

Từ Điều 62 đến Điều 65 Luật Công chứng năm 2024 về công chứng điện tử đã quy định quy trình, thủ tục như sau: “việc công chứng điện tử được thực hiện theo quy trình công chứng điện tử trực tiếp hoặc công chứng điện tử trực tuyến” và giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung về quy trình, thủ tục công chứng điện tử, quy định về hồ sơ công chứng điện tử. Về nguyên tắc, có thể hiểu công chứng điện tử như sau:

Công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử gồm công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến.

Công chứng điện tử trực tiếp là việc người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên.

Công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên[21].

Có một điểm chung khi thực hiện công chứng điện tử là công chứng viên chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số.

Liên quan đến công chứng điện tử, nghiên cứu cho thấy, đây là nội dung mới, chưa có kinh nghiệm thực hiện nên để bảo đảm tính khả thi, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng lộ trình phù hợp, ban đầu công chứng viên căn cứ vào trình tự, thủ tục thông thường để thực hiện và chỉ thực hiện một số giao dịch như ủy quyền, đặt cọc, từ chối nhận di sản.

6. Cơ sở dữ liệu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng (từ Điều 66 đến Điều 69)

Tại Chương VI, Luật Công chứng năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định về Cơ sở dữ liệu công chứng trong Luật Công chứng năm 2014 để đặt nền tảng cho việc thực hiện công chứng nói chung và công chứng điện tử nói riêng. Tuy nhiên, Luật Công chứng năm 2024 chưa thống nhất cơ sở dữ liệu công chứng áp dụng chung toàn quốc mà quy định “cơ sở dữ liệu công chứng bao gồm cơ sở dữ liệu công chứng của Bộ Tư pháp và cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương” (khoản 1 Điều 66). Việc xây dựng và thống nhất cơ sở dữ liệu công chứng phụ thuộc vào trách nhiệm của Bộ Tư pháp nên Luật Công chứng năm 2024 quy định việc “tích hợp, đồng bộ từ cơ sở dữ liệu công chứng tại địa phương theo lộ trình do Chính phủ quy định” (khoản 2 Điều 66).

7. Phí công chứng; phí, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng và chi phí khác (từ Điều 70 đến Điều 72)

Một trong những điểm mới ở Chương VII Luật Công chứng năm 2024 là việc thay đổi thuật ngữ “thù lao” công chứng thành “phí, giá dịch vụ” liên quan đến yêu cầu công chứng. Bên cạnh đó, Điều 71 Luật Công chứng năm 2024 bổ sung phí yêu cầu khai thác, sử dụng thông tin liên quan đến giao dịch. Như vậy, trong tương lai nếu công chứng viên có thể khai thác, sử dụng thông tin liên quan đến giao dịch sẽ hạn chế tối đa việc giả mạo chủ thể và/hoặc đối tượng, qua đó góp phần bảo đảm an toàn pháp lý đối với giao dịch. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cần phối hợp quy định mức phí phải nộp hợp lý để người yêu cầu công chứng có thể sử dụng dịch vụ công một cách hiệu quả.

8. Điều khoản thi hành (từ Điều 73 đến Điều 76)

Bên cạnh quy định về hiệu lực thi hành, Chương VIII có quy định điều khoản chuyển tiếp về hoạt động công chứng kể từ ngày Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực. Đối với Phòng công chứng được thành lập trước ngày Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hoạt động và trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 20.

Như vậy, với một số điểm mới nêu trên, khi Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực sẽ tác động mạnh đến hoạt động hành nghề của công chứng viên; đặc biệt, một số điểm mới, như quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm, độ tuổi hành nghề công chứng hoặc công chứng viên phải chụp ảnh khi chứng nhận giao dịch hoặc nội dung về công chứng điện tử… được kỳ vọng sẽ mang lại chuẩn mực, chính xác, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội.

 Để Luật Công chứng năm 2024 đi vào cuộc sống, Chính phủ, Bộ Tư pháp cần kịp thời ban hành một số văn bản dưới Luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh việc kết nối, chia sẻ thông tin nhằm thực hiện tốt các nội dung như vấn đề về công chứng điện tử hay khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật.

Hoàng Giang Linh

Văn phòng công chứng Hoàng Giang Linh, thành phố Hà Nội


[1] https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=91313, truy cập ngày 05/12/2024.

[2] Hiện nay, một số nghị định quy định giao dịch phải công chứng như Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở (Điều 75); Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai (Điều 30). Giao dịch phải công chứng có thể được quy định cả ở thông tư, như Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 01/7/2023 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới (điểm b khoản 2 Điều 11).

[3] Chẳng hạn như Điều 20 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2022); Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Điều 21 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

[4] Có quan điểm cho rằng: quy định tuổi bổ nhiệm và tuổi hành nghề công chứng viên nên chênh lệch nhau ít nhất là 05 tuổi để công chứng viên được bổ nhiệm có thời gian hành nghề ít nhất là từ 03 đến 05 năm.

[5] Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định “tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035”.

[6] Xem https://plo.vn/bo-tu-phap-ly-giai-ve-gioi-han-70-tuoi-doi-voi-cong-chung-vien-post785314.html, truy cập ngày 04/9/2024.

[7] Theo chia sẻ của một chuyên gia, ở Nhật, sau khi cá nhân thi đạt mới được tập sự.

[8] Theo tại Điều 10 Luật Công chứng năm 2014 thì người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên hoặc luật sư đã hành nghề 05 năm trở lên… được miễn đào tạo nghề công chứng.

[9] Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Công chứng năm 2014, người được miễn đào tạo nghề công chứng phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng là 03 tháng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng, sau khi được có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng thì thời gian tập sự hành nghề công chứng là 06 tháng

[10] Người yêu cầu công chứng phải thanh toán phí khai thác, sử dụng thông tin liên quan đến giao dịch (khoản 1 Điều 71).

[11] Sau khi Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành thì nội dung về tên gọi Văn phòng công chứng được dự báo là khó khăn khi lựa chọn và cấp đăng ký hoạt động.

[12] Xem khoản 3 Điều 185 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[13] Công chứng viên có thể hành nghề theo dạng hợp đồng nên về cơ bản vẫn bảo đảm số lượng và quyền hành nghề của công chứng viên.

[14] “Văn phòng công chứng chỉ còn 01 thành viên hợp danh tại ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì vẫn được bổ sung thành viên hợp danh theo quy định của Luật Công chứng số 53/2014/QH13 trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Văn phòng công chứng chỉ còn 01 thành viên hợp danh”.

[15] Theo điểm a khoản 2 Điều 46 thì người yêu cầu công chứng có thể yêu cầu “Lập di chúc tại chỗ ở…”..

[16] Xem Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề “Hoàn thiện pháp luật về công chứng”, 2024, tr. 25.

[17] Sửa đổi này không tác động nhiều đến giao dịch nhưng nếu công chứng viên ghi lời chứng trong văn bản công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (xem điểm e khoản 3 Điều 15 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã).

[18] Xem điểm d khoản 2 Điều 18.

[19] Xem khoản 3 Điều 2 Thông tư số 17/2020/TT-BCA ngày 18/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.

[20] Xem Điều 647 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[21] Công chứng điện tử trực tuyến thì cần hiểu rằng ở mỗi địa điểm đều phải có “mặt” của công chứng viên.

Nguồn: https://danchuphapluat.vn/binh-luan-mot-so-diem-moi-cua-luat-cong-chung-nam-2024