Phát huy vai trò công chứng viên trong tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân
- 0
- 0
- 0
- 0
Quang cảnh buổi làm việc
Chiều 23/8, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp làm việc với Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam nắm bắt tình hình thực hiện đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân”.
Tại buổi làm việc, – Tổng thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cho biết, năm 2019, Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các nhiệm vụ triển khai chưa đạt được kết quả như mong muốn, sang nhiệm kỳ 2, từ năm 2022, do chưa nắm rõ được các nhiệm vụ được nêu tại Quyết định số 977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” nên trong kế hoạch hằng năm chưa đề cập đến nội dung triển khai các yêu cầu tại Đề án.
Ông Đào Duy An (bên phải) – Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam – chia sẻ tại buổi làm việc.
Với vị trí là tổ chức chức xã hội – nghề nghiệp, Đề án 977 giao cho Hiệp hội Công chứng viên chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ có liên quan tại mục 4 và mục 5 Phần IV Đề án cụ thể là: Tăng cường vận động người dân và thành viên của tổ chức mình tự giác, chủ động tìm hiểu, chấp hành pháp luật; tư vấn pháp luật miễn phí, hỗ trợ người dân giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về pháp luật; xây dựng, triển khai các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp…; phát huy trách nhiệm xã hội, sự chủ động của các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp để triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.
Thời gian tới, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam sẽ bổ sung, triển khai các nội dung tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hoạt động Hiệp hội. Đồng thời, ông Đào Duy An bày tỏ mong muốn, Cục PBGDPL sẽ định hướng, hướng dẫn cụ thể để Hiệp hội triển khai hiệu quả các nội dung được nêu tại Quyết định số 977.
Tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Lý, Trưởng phòng quản lý công chứng, Cục bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, trước năm 2006, hoạt động công chứng là hoạt động của nhà nước, tất cả các hoạt động do các phòng công chứng của nhà nước thực hiện, sau năm 2006, Luật Công chứng được ban hành với chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng – đây được khẳng định là chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước. Đến nay, cả nước có 3250 công chứng viên với 1300 tổ chức hành nghề công chứng, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có hội công chứng viên.
Bà Vũ Thị Lý (bên trái) – Trưởng phòng quản lý công chứng – chia sẻ tại buổi làm việc.
Trưởng phòng quản lý công chứng Vũ Thị Lý nêu rõ, nhiệm vụ của công chứng viên là chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, theo đó công chứng viên giải thích cho người dân, doanh nghiệp về những nội dung giao dịch, hậu quả pháp lý trong từng hợp đồng, thông qua hoạt động nghiệp vụ các công chứng viên đã truyền thông, phổ biến cho người dân tiếp cận với pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân.
Để triển khai hiệu quả các nội dung tại Đề án 977, Trưởng phòng quản lý công chứng Vũ Thị Lý đề nghị Hiệp hội khẩn trương đưa nội dung Đề án vào kế hoạch hoạt động Hiệp hội, triển khai sâu rộng đến các hội công chứng viên của các địa phương; khẩn trương, đẩy nhanh xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, mong muốn Cục PBGDPL tạo điều kiện thuận lợi để hiệp hội triển khai các nội dung Đề án 977…
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp đề nghị Hiệp hội Công chứng viên quan tâm xây dựng kế hoạch riêng hoặc lồng ghép, xác định đầy đủ các nhiệm vụ được giao, tạo cơ sở để triển khai cũng như đánh giá, giám sát; quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm khác cho việc thực hiện Đề án 977 tại Hiệp hội; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các phòng/ban/đơn vị thuộc Hiệp hội và Hiệp hội Công chứng viên các tỉnh, thành phố triển khai, đánh giá tình hình kết quả thực hiện Đề án 977.
Bà Ngô Quỳnh Hoa (thứ 2 từ phải sang) – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp – phát biểu tại buổi làm việc
Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ công chứng viên nhằm hỗ trợ, bảo đảm tiếp cận pháp luật của người dân; mở rộng mạng lưới mạng lưới các cơ quan, tổ chức trực thuộc Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam thực hiện hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật cho người dân; tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước trong hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp luật cho người dân, vận động người dân chủ động tìm hiểu pháp luật, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa nêu rõ, Khoản 1 Điều 30 Luật PBGDPL năm 2012 đã xác định trách nhiệm của các tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật: “Tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật có trách nhiệm tham gia PBGDPL cho nhân dân; tổ chức phổ biến giáo dục, pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; kết hợp PBGDPL thông qua hoạt động chuyên môn; tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức tham gia hoạt động tình nguyện PBGDPL”. Do đó, trong thời gian tới, bà Ngô Quỳnh Hoa đề nghị Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác PBGDPL, công tác tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Từ đó, tạo tiền đề huy động đội ngũ công chứng viên và các nguồn lực xã hội có liên quan tham gia công tác PBGDPL và công tác tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Đồng thời, quan tâm triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.
Nguồn: baophapluat.vn